Nghĩa trang Bình Hưng Hòa hiện tại sẽ được quy hoạch thành khu phức hợp, tòa nhà cao ốc và công viên cây xanh. TP.HCM cũng sẽ cho đấu giá 18ha đất tại khu vực này để làm trung tâm thương mại.
“Hóa kiếp” nghĩa trang
Như Một Thế Giới đưa tin, TP.HCM đã chính thức phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000, khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa theo hướng chỉnh trang thành khu dân cư của quận Bình Tân. Theo đó, các khu dân cư này đều được quy hoạch theo hướng cải tạo chỉnh trang xen cài xây dựng mới, khu công trình dịch vụ công cộng và khu công viên cây xanh tại khu dân cư hiện hữu.
Với quy hoạch này, nghĩa trang Bình Hưng Hòa hiện tại sẽ trở thành khu dân cư tại quận Bình Tân, được duyệt quy hoạch trở thành khu phức hợp, tòa nhà cao ốc và công viên cây xanh.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm trên hai trục đường chính Tân Kỳ - Tân Quý và Bình Long, thuộc quận Bình Tân. Đây được xem là nghĩa trang lớn nhất TP.HCM với tổng diện tích gần 44ha.
Những năm qua, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, dân cư mọc xung quanh khiến nghĩa trang nằm giữa khu dân cư. Do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường nên năm 2008, UBND TP.HCM ra quyết định giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
UBND quận Bình Tân cho biết, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ cải tạo môi trường sống cho khoảng hơn 300.000 dân. Độ phủ bao gồm các phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) và phường Tân Quý, Sơn Kỳ, Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú).
Tuy nhiên, dự án di dời đến nay vẫn đang gặp khó khăn khi có hàng ngàn ngôi mộ chưa có thân nhân đến nhận. Tính đến thời điểm này, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 1 còn khoảng 4.000 ngôi mộ chưa được bốc.
Dự kiến, cuối năm 2017 sẽ có hơn 16.479 ngôi mộ được di dời khỏi nghĩa trang Bình Hưng Hòa với diện tích 18ha đất trong tổng 44ha của toàn khu nghĩa trang.
Theo UBND quận Bình Tân, phần diện tịch 18ha sẽ được giao cho thành phố mang đấu giá làm trung tâm thương mại nhằm tái tạo nguồn vốn để tiếp tục di dời các phần mộ còn lại. Bên cạnh đó, mảnh đất này sẽ được đầu tư xây dựng công viên và các công trình công cộng...
Ước tính nguồn thu ở 18ha đất này sẽ gần 2.500 tỉ đồng, tương đương với việc bán đấu giá gần 15 triệu đồng/m2. Số tiền này là nguồn thu để hoàn trả vốn ngân sách cho thành phố đã bỏ ra trước đó cũng như có kinh phí để phục vụ việc di dời phần còn lại của dự án và đầu tư 26ha để xây dựng công viên cây xanh.
Cần thực hiện từng bước để tránh điều tiếng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá chủ trương biến nghĩa trang lớn nhất thành phố thành khu đô thị, công viên cây xanh của TP.HCM là hợp tình hợp lý. Việc này sẽ giúp thành phố đẩy nhanh lộ trình chỉnh trang đô thị.
Theo ông Châu, ngay sau khi TP.HCM thực hiện cải tạo, nơi đây lập tức sẽ biến thành đất vàng và thu hút được nhiều nhà đầu tư. Bởi lẽ, nếu nhìn lại lịch sử, nhiều khu đô thị lớn hiện nay trên địa bàn TP.HCM cũng đã từng được xây dựng trên một số khu nghĩa địa lớn.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, ông Châu cho rằng TP.HCM cần chuyển đổi, thực hiện từng bước, chứ không đột ngột chuyển đổi công năng thành khu dân cư hay khu đô thị. Nguyên nhân là do đây là đất nghĩa trang, nên mọi người đều mang tâm lý rất nặng nề, nhất là vấn đề ô nhiểm môi trường. Vì vậy, TP.HCM chưa nên vội vàng trong việc kêu gọi đầu tư các dự án khu dân cư, mà cần có thời gian chuyển đổi toàn bộ diện tích đất này thành mảng xanh nhằm tạo một điểm đến mới cho người dân.
Đồng quan điểm với ông Châu, Chuyên gia Kinh tế TS Đinh Thế Hiển nói rằng nếu TP.HCM thực hiện quá trình chuyển đổi công năng từ khu nghĩa địa thành khu đô thị cao cấp quá nhanh, sẽ tạo tâm lý không tốt cho cả người dân và nhà đầu tư. Lý do là mục tiêu chính của TP.HCM đang thực hiện là chỉnh trang đô thị, tạo cân bằng trong việc phát triển quỹ đất.
Do đó, nếu TP đem đất nghĩa trang này ra đấu giá sẽ có khả năng xảy ra tình trạng một số nhà đầu tư nhảy vào ôm đất rồi để đấy hoặc chuyển nhượng kiếm lời. Việc này sẽ gây ra sự nhếch nhác và mất sự cân bằng. Thay vào đó, thành phố cần biến nghĩa trang này thành dự án công viên xanh, tạo sân chơi cho người dân trước, rồi mới nghĩ đến tạo quỹ đất mới để phát triển khu đô thị.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực này phải nghiêng về xã hội nhiều hơn kinh doanh. Chính vì thế, thành phố cần dành quỹ đất cho phúc lợi công cộng nhiều hơn, trong đó mật độ công viên cây xanh có thể chiếm 50-70% còn mật độ nhà ở chỉ chiếm 10-20%. Như vậy, chủ trương này sẽ nhận được sự đồng thuận lớn từ người dân.
UBND TP.HCM đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 7 khu dân cư trên địa bàn quận Bình Tân.
Cụ thể, 7 khu dân cư này bao gồm: khu dân cư phía nam Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc có tổng diện tích khoảng 172ha. Khu dân cư Ngã ba An Lạc, thuộc một phần phường An Lạc, phường An Lạc A, phường Bình Trị Đông B và phường Tân Tạo A có tổng diện tích khoảng 293ha.
Khu dân cư phía bắc Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường An Lạc có tổng diện tích khoảng 273ha. Khu dân cư phía bắc đường Tân Kỳ - Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa có tổng diện tích khoảng 380ha.
Khu dân cư phía đông đường Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông có tổng diện tích khoảng 296ha. Đặc biệt là khu dân cư phía tây Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân có tổng diện tích khoảng 438ha.
Phan Diệu