Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay biết là sản phẩm của mình bị làm giả nhưng lại không quyết liệt chống vì theo các chuyên gia, doanh nghiệp "sợ" thông tin lộ ra ngoài sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu, nhưng vô tình lại giúp hàng giả ngày càng lấn át hàng thật.

Biết là hàng giả, DN vẫn làm ngơ vì sợ... ảnh hưởng thương hiệu

Một Thế Giới | 23/10/2014, 07:55

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay biết là sản phẩm của mình bị làm giả nhưng lại không quyết liệt chống vì theo các chuyên gia, doanh nghiệp "sợ" thông tin lộ ra ngoài sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu, nhưng vô tình lại giúp hàng giả ngày càng lấn át hàng thật.

Ngày 21.10, Triển lãm "Hàng thật giả và truyền thông 2014", do Cục quản lý thị trường cùng dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Triển lãm thu hút sự tham gia của 11 doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Nghệ An, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Lạng Sơn, TP.HCM.
Tại triển lãm các đơn vị đã trưng bày các mẫu hàng thật - hàng giả do cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý. Ngoài ra còn trưng bày các mẫu hàng thật - hàng giả của chính các doanh nghiệp bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các mặt hàng: đồ điện, điện tử, thiết bị y tế, thực phẩm, đồ gia dụng, tem chống giả.
Biet la hang gia, DN van lam ngo vi so... anh huong thuong hieu
 
Nhân sự kiện này, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Khoa học Công nghệ Vina về vấn nạn hàng giả và công tác phòng chống hàng giả của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam hiện nay.
Vấn nạn hàng giả đã được đặt ra từ lâu nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay biết là sản phẩm của mình bị làm giả nhưng lại không mặn mà phòng chống. Theo ông, vì sao lại có việc này?
Đúng là có tình trạng này. Thực tế trong quá trình hoạt động, công ty chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp các DN biết trên thị trường có hàng giả, nhưng lại không phối hợp với cơ quan chức năng để làm đến cùng. Nguyên nhân là do họ sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu khi thông tin sản phẩm của họ có hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường.
Đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng khiếu nại, nhưng khi luật sư của công ty chúng tôi đến gặp thì DN lại rất ngại đưa thông tin đó ra bên ngoài, đơn giản là họ có suy nghĩ khi thông tin lộ ra thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm của họ. Chính điều đó đã làm cho hàng giả ngày càng lấn át.
Người tiêu dùng ngày càng thông minh nên họ rất cần những thông tin đâu là hàng thật, đâu là hàng giả để có cách nhận diện. Nhưng về phía DN lại chưa rõ ràng, chưa minh bạch nên có thể trở thành nguy cơ tạo ra môi trường không lành mạnh, tạo môi trường cho hàng giả ngày càng phát triển. Khi hàng giả nhiều quá rồi thì sẽ càng gây khó khăn cho cơ quan nhà nước và cho chính bản thân các DN cũng như người tiêu dùng. 
Về lâu dài, nếu DN không có giải pháp, không quyết liệt chống hàng giả thì thương hiệu sẽ mất, uy tín DN sẽ giảm, người tiêu dùng sẽ tẩy chay bởi vì mất thị phần, mất thị trường.
Còn đứng dưới góc độ người tiêu dùng, ông có đánh giá gì về công tác chống hàng giả hiện nay? 
Cần phải nói rằng, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chưa có thói quen tẩy chay hàng giả và thích mua sắm hàng hiệu. Điều này cũng là nguy cơ, tiếp tay cho các đơn vị làm hàng giả, để hàng giả vẫn còn đất sống.
Mặt khác, trong kinh doanh nhiều khi có sự cạnh tranh không lành mạnh, đã dẫn đến việc đưa ra các sản phẩm kém chất lượng để hạ uy tín lẫn nhau, lôi kéo khách hàng, đánh lừa người tiêu dùng. Hiện nay, một số người tiêu dùng vẫn thiếu thông tin, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa - là địa bàn mà hàng giả hoạt động rất mạnh nên rất dễ bị lừa. 
Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, vẫn có một số người tiêu dùng hiện nay rất thông minh, có hiểu biết và biết sử dụng đồng tiền của mình một cách có hiệu quả. Vậy thì các DN cũng cần phải tính toán lại, phải làm sao có chính sách hướng đến người tiêu dùng, những người đang mong muốn mua được các sản phẩm chính hãng, giá trị thật.
Biet la hang gia, DN van lam ngo vi so... anh huong thuong hieu
 Ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc
Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vina.
Nhiều quan điểm cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay không mặn mà trong việc chống hàng giả. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
Có thể là do chính sách của Nhà nước chưa rõ ràng, thể hiện ở việc các cơ quan chức năng đùn đẩy nhau về trách nhiệm và mặc dù đã có Luật bảo vệ người tiêu dùng nhưng chúng ta không phát huy được, chưa thực sự hướng đến người tiêu dùng, kể cả DN. Các DN làm ăn chụp giật, đối phó, vẫn có những kỹ xảo trong kinh doanh cho nên khi người dân mua phải hàng giả thì vẫn phải nhận thiệt thòi. 
Tiếp đến, người tiêu dùng rất ngại đến các cơ quan quản lý nhà nước hay các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, bởi vì thủ tục phức tạp và để xử lý xong vụ việc thì mất nhiều thời gian. Nhiều khi số tiền bỏ mua sản phẩm cũng không lớn nên dễ dẫn đến tâm lý ngại. Cho nên đứng dưới góc độ của công ty chuyên cung cấp các giải pháp chống hàng giả thì tôi mong muốn giữa DN, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự hướng tới sự công bằng, làm sao đẩy lùi được nạn hàng giả một cách triệt để hơn.
Để làm được điều như ông vừa nói, theo ông, chúng ta cần phải có những biện pháp như thế nào?
Theo tôi, điều đầu tiên là các doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, ví dụ như tăng cường tuyên truyền đến người dân thông qua gian hàng trưng bày các sản phẩm hàng thật, hàng giả tại hội chợ, hoặc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các DN cũng cần phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc chống hàng giả để bảo vệ sản phẩm của mình.
Còn về phía người tiêu dùng cũng nên chủ động tìm hiểu thông tin, đến những hội chợ hàng thật, giả để lỡ có mua phải hàng giả thì cũng biết mà đi khiếu nại, để mua được cho mình những sản phẩm chính hãng, với đúng số tiền bỏ ra.
Chúng ta cũng cần phải học tập kinh nghiệm chống hàng giả từ các nước tiên tiến. Bởi họ rất rõ ràng trong vấn đề chống, xử lý hàng giả. Chế tài của họ cũng rất mạnh mẽ, quyết liệt, họ khuyến khích DN phải công khai thông tin khi sản phẩm của DN bị làm giả. Kể cả người tiêu dùng, biết là mua phải hàng giả nhưng nếu không lên tiếng thì cũng bị xử phạt. Vấn đề hàng giả đã được các nước đưa vào luật hình sự, có tính pháp lý cao và cùng với đó là nhiều chế tài xử phạt khác. Có nghĩa là các nước khác họ có một chế tài đồng bộ, các sản phẩm chính hãng được bảo vệ cho nên hàng giả của họ rất ít. Đây là điều mà chúng ta cần học tập.
Là một đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp chống hàng giả, xin ông cho biết, hiện nay có khoảng bao nhiêu % DN Việt Nam quan tâm và tìm đến công ty ông để phòng chống hàng giả?
Hiện nay có khoảng 500 DN, thương hiệu đang sử dụng các giải pháp chống hàng giả do công ty chúng tôi tư vấn. Trong đó, có gói giải pháp trọn gói, từ khâu sở hữu trí tuệ, xử lý, tư vấn luật và đưa ra giải pháp ngăn chặn hành vi làm giả, đưa ra truyền thông để chống hàng giả. 
Trong 500 DN đó thì có đến 80% là DN Việt Nam, chỉ có 20% là các DN liên doanh, liên kết với nước ngoài có sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Công ty chúng tôi cũng có phân ra các ngành hàng, trong đó các công ty thuộc ngành dược là quan tâm đến việc phòng chống hàng giả nhất, chiếm đến 80% các công ty để tìm giải pháp chống hàng giả. Ngoài ra còn có các ngành khác như gas, may mặc, thời trang, kim khí điện máy, xây dựng... 
Duyên Duyên
CLIP ĐANG ĐƯỢC XEM NHIỀU:
>> Hài hước với clip hắt xì thổi bay váy phụ nữ

Hai cô gái đang chụp ảnh thì bất ngờ một nam thanh niên hắt hơi khi đi ngang qua khiến váy bay mất. Sự việc khiến nhiều người bất ngờ và không nhịn được cười. 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biết là hàng giả, DN vẫn làm ngơ vì sợ... ảnh hưởng thương hiệu