Tòa tháp đôi soi bóng bên dòng Tam Bạc kể câu chuyện khởi nguyên Hải Phòng bằng ngôn ngữ thiết kế. Mang tính kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, công trình hứa hẹn trở thành biểu tượng mới của một Hải Phòng năng động, phát triển.

Biểu tượng mới của thành phố hoa phượng đỏ có gì độc đáo?

H.V | 10/05/2022, 14:52

Tòa tháp đôi soi bóng bên dòng Tam Bạc kể câu chuyện khởi nguyên Hải Phòng bằng ngôn ngữ thiết kế. Mang tính kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, công trình hứa hẹn trở thành biểu tượng mới của một Hải Phòng năng động, phát triển.

Kể chuyện khởi nguyên Hải Phòng bằng ngôn ngữ thiết kế

Vượt qua cuộc thi tuyển gắt gao với nhiều đối thủ có tiếng trên thế giới, phương án kiến trúc của Công ty Hirsch Bedner Associates PTE LTD - HBA (Singapore) đã được lựa chọn cho dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để chỉnh trang đô thị tại khu vực Chợ Sắt.

2(3).jpg
Phối cảnh dự án tổ hợp trung tâm thương mại 5 sao khu vực Chợ Sắt

Đánh giá về phương án này, ông Võ Quốc Thái, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hải Phòng cho biết: “Dự án tọa lạc trên mặt bằng nơi các dòng sông hội tụ đã hình thành từ đầu thế kỉ thứ 20, là ngã 3 sông Tam Bạc, sông đào Thượng Lý và sông Lạch Tray, đồng thời cũng gắn liền với hồ Tam Bạc, tạo nên không gian 3 mặt thoáng đãng.

Chợ Sắt đã từng là trái tim thương mại không chỉ của Hải Phòng mà còn của cả đồng bằng Bắc Bộ với cái tên Chợ Sắt có từ thời Pháp thuộc. Đây là nơi các dòng sông hội tụ, là điểm đến của cộng đồng dân cư và là nơi tập trung thương mại của thành phố có lịch sử hàng trăm năm.

Từ vị trí có những giá trị cả vật thể và phi vật thể, tác giả thiết kế đã tạo nên điểm truy cập và lưu thông trên mặt bằng cùng các dòng sông chảy đan xen vào nhau trên mặt dựng công trình, tạo nên sự hài hòa trong tổng thể ngã 3 sông”.

Các kiến trúc sư đến từ công ty HBA (Singapore) đã thuyết phục được ban giám khảo khi kể câu chuyện về khởi nguyên Hải Phòng, Chợ Sắt bằng ngôn ngữ thiết kế. Những dòng chảy bản địa của sông Tam Bạc, sông Cấm, mạng lưới giao thông quy hoạch vuông vắn thời thuộc địa và cả mặt cong của Chợ Sắt cũ được phỏng sinh trên khối đế uốn cong, luồng đi bộ và các đường nét mềm mại ở mặt ngoài tòa nhà và sảnh khách sạn.

2(3).jpg
Những đường nét phỏng sinh các dòng chảy

Không chỉ gây ấn tượng bằng mặt ngoài độc đáo, các kiến trúc sư còn tính toán kỹ tới hướng gió, hướng đất đảm bảo công năng tòa nhà, gia tăng trải nghiệm người dùng. Nhờ sự tính toán tỉ mỉ, mỗi vị trí trong các tòa tháp đều nhận bức xạ nhiệt thấp nhất. Luồng gió tự nhiên được tận dụng thông gió cho cả tòa nhà. Quảng trường trung tâm nơi dòng người tập trung được các tòa tháp che kín, đảm bảo nhiệt độ dễ chịu, khuyến khích hoạt động ngoài trời.

Nhắc tới những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng gắn liền với hình ảnh của thành phố, người ta sẽ nhắc tới Bitexco, The Landmark 81 của TP.HCM; Keangnam Hanoi Landmark Tower, Lotte Center của Hà Nội. Sắp tới đây, khi hiện hữu, tòa tháp đôi bên sông Tam Bạc chắc chắn sẽ ghi danh vào câu lạc bộ tòa nhà có kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố Hải Phòng.

Đánh giá về thiết kế được lựa chọn, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Phương án của HBA (Singapore) toát lên vẻ độc đáo, tạo không gian cộng đồng tại chính công trình. Trên tổng mặt bằng, đơn vị tư vấn đã khéo léo kết nối các tuyến phố cũ và mới, tạo ra hướng mở cho công trình. Ngoài ra, với phương án trên, công trình đã chấp nhận hi sinh diện tích thương mại để tạo ra diện tích phục vụ cộng đồng. Đây là một phương án táo bạo mà không phải công trình nào có được. Nó thể hiện tính đúng đắn trong việc tạo ra một biểu tượng đặc sắc cho Hải Phòng”.

Kỳ vọng tái thiết một dòng chảy thịnh vượng

Chợ Sắt của một thời vàng son nổi tiếng không kém gì chợ Đồng Xuân của Hà Nội, chợ Đông Ba của Huế và chợ Bến Thành của TP.HCM. Chợ Sắt thuở ấy giúp Hải Phòng duy trì được vị thế trung tâm bán buôn hàng vùng duyên hải, làm giàu cho người dân thành phố cảng.

Thế nên khi tái thiết Chợ Sắt, UBND TP.Hải Phòng quyết tâm đưa Chợ Sắt trở lại vị thế của mình trong một hình hài mới, một khu vực sầm uất với các hoạt động thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn và văn phòng. Việc cải tạo tái thiết Chợ Sắt là một trong hai công trình trọng điểm của thành phố trong năm 2022.

Trước đó, Hải Phòng đã chi hàng nghìn tỉ đồng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Chợ Sắt. Phố Tam Bạc, phố Thế Lữ xưa kia nay đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang, hiện đại. Và khi dự án tổ hợp 5 sao hiện hữu sẽ là nét bút cuối cùng như “vẽ rồng điểm mắt” hoàn thiện thiết kế tổng thể của cả khu vực.

3(3).jpg
UBND TP.Hải Phòng quyết tâm đưa Chợ Sắt trở lại vị thế của mình trong một hình hài mới

Với 2 tòa tháp gồm 40 tầng nổi và 2 tầng hầm có kiến trúc độc đáo mang đậm hơi thở bản địa, tổ hợp trung tâm thương mại Chợ Sắt được kỳ vọng tái hiện một dòng chảy thịnh vượng cho khu vực, thu hút khách du lịch muôn phương. Trong bối cảnh Hải Phòng muốn phát triển du lịch dịch vụ, phát triển phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm… thì tổ hợp 5 sao này sẽ bù đắp được những thiếu hụt về ẩm thực, du lịch, bãi đỗ xe tĩnh và nhiều dịch vụ khác.

4(4).jpg

Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để chỉnh trang đô thị tại khu vực Chợ Sắt sẽ chính thức được động thổ trong tháng 5 tới. Chủ đầu tư Công ty CP May - Diêm Sài Gòn đã sẵn sàng mọi nguồn lực để thi công công trình mang tính biểu tượng thời đại mới cho Hải Phòng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biểu tượng mới của thành phố hoa phượng đỏ có gì độc đáo?