Đại dịch COVID-19 đã kéo lùi những nỗ lực y tế công cộng nhiều năm. Nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times, tỷ phú công nghệ đã bày tỏ hy vọng về những khả năng mới từ các nguồn trợ giúp nước ngoài.
Đầu tuần này, Quỹ Bill và Melinda Gates công bố báo cáo thường niên Goalkeeper lần thứ tư, cho thấy những tiến bộ chậm chạp nhưng chắc chắn mà thế giới đang hướng đến các mục tiêu sức khỏe vạch ra bởi Liên hiệp quốc vào năm 2015.
Báo cáo nhận định 2020 là một năm đầy bi thảm khi đại dịch coronavirus tàn phá nhiều năm lao động của con người: Có nhiều hơn những gia đình cực kỳ nghèo đói, suy dinh dưỡng gia tăng, số trẻ em được tiêm chủng ít hơn.
Đánh giá về nước Mỹ, bị tàn phá bởi vi rút hơn bất kỳ quốc gia nào khác, báo cáo ghi nhận quốc gia này đang tách biệt khỏi sân khấu y tế toàn cầu và dường như chỉ tập trung vào việc cứu mình. Liệu Mỹ có trở lại vai trò dẫn dắt thế giới với đầy đủ năng lực và sự hào phóng vốn có trước đây? Theo Gates, ông lạc quan về khả năng nước Mỹ quay lại.
Ông nói: “Tôi đã trao đổi với những người đó và đưa ra những đề xuất ý nghĩa”. “Những người đó”, là từ Gates chỉ những nhân vật cao cấp của Nhà Trắng và Quốc hội mà ông đã vận động cá nhân, qua đó gói kích thích tài chính đã bổ sung 4 tỷ USD để các nước nghèo có thể tiếp cận vắc xin COVID-19.
Tuy nhiên, mục tiêu thật sự của Gates còn lớn hơn: tăng gấp đôi khoản trợ giúp nước ngoài của Mỹ từ dưới 0.25% của GDP lên 0,5% hay nhiều hơn. Ông nhìn thấy đại dịch là một cơ hội để làm được điều này.
“Như người ta nói”, ông nói một cách hồ hởi, “nước Mỹ - sau khi đã làm mọi điều khác – đang làm điều đúng đắn”.
Như những gì ông từng làm ở Thung lũng Silicon khi đánh bại các đối thủ cạnh tranh, Gates có thể tính toán cơ may thành công của mình bằng một lô gíc chặt chẽ.
Điều đó hiếm khi đúng như hiện tại khi đại-dịch-100-năm-có-một đang tàn phá những quốc gia nghèo khổ nơi ông đang tập trung nỗ lực làm từ thiện.
Thật sự thì thế giới bị tổn thương bởi vi rút không nhiều bằng tác động kinhtế - trong đó thiệt hại về nhân mạng ở châu Á và châu Phi ít hơn Mỹ và Tây Âu –nhưngtác động kinh tế lại trầm trọng hơn ở những quốc gia mà con người và chính phủ “không có khoảng dự trữ phòng bị xoay sở”, Gates nói.
Sự sụp đổ của du lịch, giảm sút kiều hối từ người thân làm việc ở nước ngoài, tình trạng đóng cửa các cảng giao thông, khai thác mỏ và giếng dầu, đóng cửa trường học và những căng thẳng mới trên hệ thống chăm sóc sức khỏe mỏng manh, tất cả đã tạo ra nổi thống khổ to lớn cho nhân loại.
Theo báo cáo Goalkeeper, kể từ năm 1870 không khi nào nhiều quốc gia bị suy thoái cùng lúc. Từ 1990 đến 2020, tỷ lệ dân số thế giới sống trong mức nghèo khổ cùng cực, giờ đây được định nghĩa là thu nhập dưới 2 USD/ngày, giảm từ 37% xuống còn dưới 7%. Thế nhưng chỉ trong vài tháng qua, 37 triệu người đã rơi xuống dưới mức này.
“Đại dịch càng kéo dài, các vết sẹo kinh tế sẽ càng xấu hơn”, báo cáo viết.
Tỷ lệ trẻ em toàn cầu được chích mọi vắc xin theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong năm qua đã tăng lên con số kỷ lục 84%. Nhưng con số này giờ đây đã giảm xuống 70% - trở về cách đây 25 năm. Số tử vong vì sốt rét, suy dinh dưỡng, biến chứng sinh đẻ và những bệnh như sởi và bạch hầu bắt đầu gia tăng.
Tuy nhiên Gates lạc quan cho rằng những mất mát có thể phục hồi “trong 2 đến 3 năm”. Những nguồn lực tài chính từ du lịch, kiều hối, khoảng vay của Ngân hàng thế giới và những nguồn khác lại bắt đầu gia tăng ngay khi toàn thế giới được chích ngừa, kết thúc đại dịch. Ông dự báo điều này được hoàn tất vào năm 2022.
Tuy nhiên, từ đây đến đó sẽ là một giai đoạn cực kỳ đau đớn, thậm chí bất công giữa nước giàu và nước nghèo sẽ càng lớn hơn.
Một trong những kết luận rõ ràng nhất trong báo cáo là gần gấp đôi số tử vong có thể được phòng ngừa nếu vắc xin COVID-19 được phân phối cho mọi quốc gia dựa trên dân số của họ hơn là cho 50 quốc gia giàu nhất thế giới đầu tiên.
Điều đó sẽ không diễn ra ngay, Gates thừa nhận, vì chính quyền Tổng thống Trump công khai từ chối gia nhập thỏa thuận hợp tác quốc tế có tên Covax, thỏa thuận liên kết sức mạnh của nhiều tổ chức để bảo đảm các nước giàu và nghèo được nhận cùng lúc những vắc xin ngừa coronavirus
Thay vào đó, nước Mỹ thực hiện dự án Operation Warp Speed nhằm tự thân phát triển nhanh vắc xin khi đã trả 11 tỷ USD cho 6 công ty vắc xin để bảo đảm có ít nhất 100 triệu liều từ mỗi công ty.
Mặc dù dự án này “có vẻ ích kỷ”, nhưng Gates cho rằng ông không thấy bất công vì nước Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới và những người đóng thuế ở Mỹ đã trả 2/3 chi phí thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vắc xin ngay cả trước khi thử nghiệm kết thúc.
Chỉ cần 3 trong số nhiều vắc xin mà nước Mỹ trông đợi đạt thành công, theo Gates, quốc gia này sẽ có nhiều liều vắc xin hơn nhu cầu và như thế phần dư ra có thể được san sẻ cho thế giới.
Và Gates cũng trông đợi vào đầu năm tới, dù cho ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, Mỹ sẽ có thể dành ra nhiều hơn số 4 tỷ USD dự báo dùng mua vắc xin cho những nước nghèo.
Bình Yên