Chưa bao giờ như bây giờ, 40 năm sau ngày hòa bình lập lại, dù có đạo hay không có đạo, người Việt lại cảm thấy khát khao đến thế, khắc khoải đến thế về hai chữ bình an.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm

21/12/2015, 11:48

Chưa bao giờ như bây giờ, 40 năm sau ngày hòa bình lập lại, dù có đạo hay không có đạo, người Việt lại cảm thấy khát khao đến thế, khắc khoải đến thế về hai chữ bình an.

Bình an cho mọi người, đặc biệt cho những người thiện tâm, có lẽ là ước nguyện thẳm sâu nhất của người Việt hiện nay. Bởi hầu như sáng nào mở mắt ra, liếc qua những dòng thời sự, ta không thể không giật mình về cái ác và sự bất an, bất trắc đang bủa vây cuộc sống mỗi người. Hầu như vài ba ngày lại xảy ra một vụ trọng án, có khi cướp đi sinh mạng không chỉ một mà nhiều người một lúc, có khi nguyên cả một gia đình, bởi những kẻ thủ ác ra tay lạnh lùng, thậm chí rất dửng dưng.
Tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa, gây thương vong khủng khiếp cho nhiều người, vì những nguyên nhân lãng nhách như tài xế ngủ gục, phê ma túy, mất lái, uống rượu bia, đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng, để mỗi năm con số người chết do tai nạn giao thông trong cả nước lên tới cả chục ngàn.
Rồi nữa là những cái chết do ung thư mà tỉ lệ người mắc bệnh ở Việt Nam cao nhất nhì thế giới; những cái chết do ngộ độc thực phẩm, vì người trồng trọt, người chăn nuôi sử dụng chất cấm tràn lan. Khi người trồng trọt, người chăn nuôi không dám ăn những thứ do mình làm để bán cho người khác mà chỉ ăn những thứ mình trồng riêng, nuôi riêng thì lương tâm con người, đạo đức xã hội có thể nói đã xuống tận đáy. Trong môi trường sống như vậy, hỏi làm sao không cảm thấy bất an? Làm sao không khắc khoải với hai chữ an bình? “Người Việt đang giết nhau như thế nào?”.
Một bài viết trên báo Công An ngày 6.12.2015 chạy cái tít sốc như vậy. Có ai nghĩ được giữa thời bình người Việt lại phải đặt ra một câu hỏi đớn đau như thế. Nhưng thực tế đã buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi đau đớn đó và đi tìm câu trả lời cũng như giải pháp. May thay, vẫn còn đó trong thực tế những điểm sáng giữ cho ta không hoàn toàn tuyệt vọng, khiến cho ta còn có thể nuôi dưỡng niềm tin vào sự thiện tâm của con người. Câu chuyện hồi đầu tháng 8 năm nay về anh Phương và ba người thợ đào giếng khác ở thị xã Thuận An, Bình Dương, lấy hết sức bình sinh và cả sự khôn khéo để đào cứu cháu bé 7 tuổi Tú Anh bị rơi và kẹt dưới giếng khoan ở độ sâu 13 mét, rộng chỉ 40cm, sau hơn 10 tiếng đồng hồ, đã thực sự như một phép màu, giúp mẹ cháu không phải chịu nỗi đau mất con.
Chuyện rạng sáng 30.11, khi đang trên đường đi làm, nghe tiếng kêu cứu của một phụ nữ bị một gã thanh niên lực lưỡng khống chế, giật túi xách rồi bỏ chạy, ông Nguyễn Văn Hải (57 tuổi, quê Tây Ninh, tạm trú tại thị xã Thuận An, Bình Dương và đang làm bảo vệ cho một công ty tại đây) chạy tới giải cứu và bị tên cướp rút dao đâm thủng thực quản là một câu chuyện khác về sự thiện tâm dù phải trả giá. Hay thời sự hơn là chuyện anh Nguyễn Phúc Thành, một tay anh chị trong giới giang hồ, đang thụ án trong trại giam mà chỉ có thể nói là vì lương tâm đã từ trại giam làm đơn tố cáo thủ phạm thực sự giết bà Nguyễn Thị Bông trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén, dù thủ phạm thực, Nguyễn Thọ là bạn trong giới của anh Thành. Chính nhờ manh mối đầu tiên đó mà thầy giáo Nguyễn Thận đã bất chấp bệnh tật, suốt 17 năm trời ngược xuôi Nam Bắc để kêu oan cho học trò là Huỳnh Văn Nén, người bị ghép tội trong cả hai vụ án oan là “Vụ án vườn điều” và vụ án giết bà Bông. Nhờ những tấm lòng thiện tâm như ông Thận, như anh Thành mà ông Huỳnh Văn Nén thoát khỏi án oan sau hơn 17 năm ở tù, một mạng người được cứu.
Còn có thể kể ra những điểm sáng thiện tâm như thế giữa thời buổi niềm tin giữa con người hầu như cạn kiệt, con người có xu hướng co lại chỉ lo cho mình còn ai sao mặc kệ. Những điểm sáng thiện tâm ấy cần được khích lệ, nuôi dưỡng, vun đắp giữa thời buổi mà cái ác, đồng tiền và sự hào nhoáng bên ngoài dường như chiếm thế thượng phong, còn những gì chân thật, tốt lành, vị tha dường như không có đất sống.
Việc khích lệ, nuôi dưỡng, vun đắp, làm lan tỏa sự thiện tâm phải là một nỗ lực lâu dài, bền bỉ, thực chất chứ không thể bằng những phong trào nặng tính hình thức, phô trương mà hiệu quả không tới đâu. Chỉ đến khi nào mà mỗi người trồng trọt, người chăn nuôi cũng ăn những thứ mình bán, không thu lợi bất chấp cái hại gây cho người khác thì mới có thể coi là sự thiện tâm đã chiến thắng. Với người có đạo hay không có đạo, Noel cũng là thời khắc mà không khí an bình lan tỏa trong tiếng chuông nhà thờ rộn rã, vui tươi; là thời khắc của yêu thương. Như câu thánh ca vang lên trong đêm Noel: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, ước gì bình an đến với lòng người, đến với những tấm lòng thiện tâm trên đất nước ta.
Đoàn Khắc Xuyên / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình an dưới thế cho người thiện tâm