Bài viết Một góc nhìn về cơm 2.000 đồng của tác giả Nguyễn Quảng thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Đã qua mười ngày kể từ khi bài viết này đăng tải trên BBC, nhưng những ý kiến tranh luận vẫn tiếp tục được phát biểu trên nhiều diễn đàn.

Bình tĩnh với cơm 2.000 đồng/suất

Một Thế Giới | 18/09/2013, 15:03

Bài viết Một góc nhìn về cơm 2.000 đồng của tác giả Nguyễn Quảng thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Đã qua mười ngày kể từ khi bài viết này đăng tải trên BBC, nhưng những ý kiến tranh luận vẫn tiếp tục được phát biểu trên nhiều diễn đàn.

           
Một lập luận quan trọng của tác giả Nguyễn Quảng là quán cơm 2.000 đồng “bán phá giá”, gây thiệt hại cho những quán cơm bình dân trong khu vực lân cận cũng như nhiều ngoại tác tiêu cực khác. Tôn chỉ của quán cơm 2.000 đồng là phi lợi nhuận, nhằm san sẻ bớt gánh nặng với người nghèo. Việc mỗi tuần quán chỉ phục vụ ba bữa trưa có lẽ cũng để tránh cho thực khách tâm lý ỷ lại.
Theo thư ngỏ mà Ban chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười 3 (298A đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7) gửi các nhà hảo tâm thì giá thành mỗi suất cơm là 14.000 đồng. Nghĩa là mỗi suất cơm bán ra được bù đắp chi phí 12.000 đồng từ tấm lòng thơm thảo của bá tánh. Nhưng thế nào là bán phá giá?Một cách khái quát, bán phá giá trên thị trường nội địa được hiểu là hành vi bán dưới giá thành sản xuất nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, giành thị phần hoặc đạt được các mục tiêu thương mại khác. Trong nhiều tình huống, việc Nhà nước triển khai những chương trình trợ cấp cho một số đối tượng cụ thể cũng không được xem là bán phá giá.

Như vậy, chỉ khi có minh chứng rõ ràng rằng thiệt hại do hành vi bán dưới giá thành gây ra thì bên bị hại mới có cơ sở để khởi kiện bán phá giá. Mặt khác, ở phần đầu bài viết, tác giả Nguyễn Quảng sử dụng thuật ngữ “bán dưới giá” (một lần) nhưng ở phần sau lại sử dụng thuật ngữ “bán phá giá” (hai lần) khiến người viết hoài nghi hoặc tác giả thiếu nhất quán trong quá trình diễn đạt, hoặc tác giả đồng nhất hai khái niệm này.

Có lẽ cũng bởi xuất phát từ nhận định “bán phá giá” nên tác giả Nguyễn Quảng cảnh báo quán cơm 2.000 đồng là “mô hình kinh tế”, tiếp tay cho nhiều thành phần trục lợi, trong đó có những “kẻ chăn thầu ăn mày”. Mô hình cơm 2.000 đồng/suất có thể tiếp cận dưới một hình thái tích cực của xã hội dân sự. Đây được xem là khu vực thứ ba, góp phần giải quyết những vấn đề của xã hội mà cánh tay Nhà nước và thị trường chưa cần hoặc chưa thể vươn tới.

Thêm nữa, chăn dắt trẻ ăn xin là một thực trạng tồn tại đã nhiều năm, xuất hiện trước thời điểm những mô hình quán cơm 2.000 đồng/suất ra đời. Mặt khác, trừng phạt những kẻ bóc lột lao động trẻ em này là trách nhiệm của các cơ quan công lực. Nếu những “kẻ chăn thầu ăn mày” là khách quen của những quán cơm 2.000 đồng/suất như phát hiện của tác giả Nguyễn Quảng và nếu lực lượng chức năng thực sự vào cuộc thì việc lần ra được đường dây chăn dắt trẻ em đang hoạt động là hoàn toàn có thể.

Ngoài những “kẻ chăn thầu ăn mày”, tác giả Nguyễn Quảng còn nhắc đến “anh xe ôm”, “chị vé số ve chai”, “hàng rong”… , được xếp chung vào nhóm “lao động ngoại tỉnh”. Tác giả nhận định: “Quá nhiều lao động ngoại tỉnh tràn vào thành phố đã khiến khắp nơi quá tải và ngột ngạt.

Phần đông số này xả rác khắp nơi, phóng uế bừa bãi, ngủ vạ vật gầm cầu mái hiên thậm chí giữa hè phố và vô luật pháp. Cơm 2 nghìn sẽ tiếp sức tích cực cho họ trong công cuộc bám trụ thành phố, và nếu ai đó đang phân vân giữa việc rời quê lên thành phố để kiếm sống, cơm 2.000 đồng đã cho họ câu trả lời sắc nét (dĩ nhiên là nếu mô hình cơm 2.000 đồng được nhân rộng hơn hiện tại).

Nhận thức về người lao động ngoại tỉnh như vậy e rằng chưa đầy đủ và thiếu công bằng. Đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào về xã hội học chỉ ra rằng chỉ có người nhập cư xả rác, phóng uế bừa bãi, ngủ vạ vật gầm cầu mái hiên thậm chí giữa hè phố và vô luật pháp. Dường như tác giả Nguyễn Quảng chỉ tập trung khai thác những ngoại tác tiêu cực từ người nhập cư mà bỏ qua những đóng góp đáng kể của lực lượng lao động này.

Bởi nếu vắng họ, hàng trăm hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp sẽ tê liệt. Thành ra, việc “cơm 2.000 đồng tiếp sức tích cực cho họ trong công cuộc bám trụ thành phố” cần được động viên, khuyến khích, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến mâm cơm người nghèo ngày càng đạm bạc.

Ở phần kết, tác giả Nguyễn Quảng phỏng đoán mô hình cơm 2.000 đồng/suất “làm suy yếu nghị lực bản thân của người tìm đến ăn, rõ ràng chả việc gì phải cày cuốc kiếm ăn mửa mật, khi mà ăn 1 bữa no tới 24 giờ kế tiếp?”. Dẫu nghi ngờ cách diễn đạt có phần thậm xưng nhưng với tinh thần tôn trọng khoa học, tôi vẫn mang câu hỏi của tác giả Nguyễn Quảng đến quán cơm Nụ Cười 3 và thực hiện một cuộc khảo sát nhanh. Những câu trả lời thu được không chỉ không ăn khớp như phỏng đoán của tác giả Nguyễn Quảng, mà còn mở ra những góc nhìn khác về thân phận con người.

Chị Lê Thị Thu Hà, một người nhập cư và cũng là khách quen của quán từ những ngày đầu cho biết: “Trước khi có quán cơm này, tôi thường bỏ bữa trưa. Nhịn riết rồi cũng quen. Khi quán khai trương thì bắt đầu ăn lại. Những ngày quán không phục vụ, tôi ăn tạm ổ bánh mì không. Đi mần bụi bặm, mang cơm theo không tiện, mà ăn suất cơm bình dân mười mấy hai chục ngàn thì không dám”.

Chị Thu Hà quê Sơn Tịnh, một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi vào Sài Gòn được 6 năm, kể từ khi cô con gái lớn của chị trúng tuyển đại học. Ngày ngày chị đi lượm ve chai, kiếm tiền nuôi con. Khi cô chị chuẩn bị ra trường thì đến lượt cậu em. Chị nói: “Tôi ăn còn cơm hai ngàn mấy tháng nữa. Qua năm con tôi tốt nghiệp ra trường là tôi về quê liền. Hai vợ chồng mần ruộng, dưỡng già”. Chỉ mấy chị ngồi quanh, chị Hà nói: “Mấy người này đều là đồng hương với tôi, cũng vô nuôi con ăn học”.

Một chị khác tiếp lời: “Chị Hà đi trước, mấy chị thấy được mới theo, người nọ dắt người kia. Ở quê mần ruộng, trúng mùa cũng chỉ đủ ăn, không có dư để góp học phí cho con, chưa kể tiền ăn, tiền trọ. Con cái học được thì mình cũng ráng. Mấy sào ruộng ở quê chỉ đủ cho hai vợ chồng làm, có thêm một lao động cũng vậy thôi”.

Năng suất tới hạn đã đưa những bà mẹ đổ về thành phố, nơi có những cơ hội kinh tế tốt hơn quê nhà. Còn nhiều, còn nhiều nữa những bà mẹ ly hương, mang theo niềm hy vọng con cái được đổi đời thông qua con đường học vấn.

Trong dòng người lam lũ đứng xếp hàng chờ đến lượt mình được phục vụ có không ít sinh viên đại học. Thời sinh viên, Steve Jobs – cha đẻ thương hiệu Apple (Mỹ) – cũng từng phải cuốc bộ hơn mười cây số đến một ngôi đền phát cơm miễn phí vào mỗi ngày chủ nhật. Ngày thường, ông phải lượm vỏ lon Coca Cola bán lấy tiền để đổi lấy thực phẩm. Vài ba chục năm nữa, biết đâu thế giới sẽ xuất hiện một Steve Jobs phiên bản Việt từng là khách quen của những quán cơm 2.000 đồng.

Người khách cuối cùng ghé quán trong buổi trưa hôm ấy là một phụ nữ ngồi trên xe lăn. Chị là Lê Thị Loan quê Hà Tĩnh, có  gần 10 năm  bán vé số dạo. Ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ 6 giờ sáng. Ba giờ chiều đẩy xe về phòng trọ, chị mới ăn trưa, thường là một tô mì gói. Bốn giờ chị đi lấy vé mới, bán lai rai đến 6 giờ tối thì quay về phòng trọ, khép lại một ngày làm việc. Từ khi quán cơm Nụ Cười 3 khai trương, mỗi tuần chị tiết kiệm được ba gói mì. Hỏi tại sao không về quê, chị cho biết cha mẹ đều đã qua đời, hai người em trai đều có gia đình riêng. Phần vì họ cũng nghèo, phần vì chị ngại việc về ở chung sẽ làm sinh hoạt của gia đình các em bị đảo lộn. Chị nói chỉ khi dành dụm đủ tiền cất cái nhà nho nhỏ trên mảnh đất cha mẹ để lại, dư thêm chút vốn thì mới về. Hỏi tiếp chừng nào dành dụm đủ thì chị chưa có câu trả lời.

Mô hình quán cơm 2.000 đồng khó thể bền vững nếu thiếu những cánh tay nhân ái. Đó là các doanh nghiệp, doanh nhân được nhiều người biết đến. Là những tiểu thương góp mớ rau, mớ cá. Cũng có khi là khách qua đường. Những người không có điều kiện góp của thì góp công. Họ là những bạn sinh viên vội vã rời quán để kịp giờ lên lớp buổi chiều. Là cô công nhân vừa tan ca làm đêm trong khu chế xuất Tân Thuận. Cũng có khi là chính thực khách. Trong số các tình nguyện viên có cả những bạn trẻ được sinh ra trong các gia đình khá giả, vốn không quen làm việc nhà.

Ở môi trường này, tất cả đều làm việc say sưa. Được cảm thông, chia sẻ với đồng loại là một nhu cầu của con người. Mô hình quán cơm 2.000 đồng đã góp phần đánh thức lương tâm xã hội, hướng đến nhóm người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, trở thành chất xúc tác để việc thiện cộng hưởng và lan tỏa.

Về phía thực khách của cơm 2.000 đồng thì sao? Giá trị họ nhận được đâu chỉ dừng lại ở những bữa ăn nóng sốt, đảm bảo vệ sinh mà còn là thói quen xếp hàng, là tinh thần tự giác đem chén đĩa đến bỏ ở khu vực đặt chậu rửa. Dù ít dù nhiều, ai cũng có thể sẻ chia với đồng loại, miễn là có một tấm lòng.

Tóm lại, quán cơm 2.000 đồng không phải là một thất bại thị trường. Chỉ khi mô hình này không đáp ứng được đồng thời hai tiêu chí là vệ sinh an toàn thực phẩm và phi lợi nhuận thì Chính phủ mới có đủ cơ sở để can thiệp, nhằm bảo vệ lợi ích của những quán cơm bình dân khác theo đuổi mục tiêu lợi nhuận.

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình tĩnh với cơm 2.000 đồng/suất