Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 21.2 tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo nhắc nhở phải cẩn trọng trước sự lây lan của coronavirus chủng mới Covid-19.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) Bộ Chính trị CPC gồm 25 ủy viên đã nói tình hình chống dịch ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, việc khống chế dịch mới chỉ đạt sơ bộ.
Ông Tập Cận Bình nói dịch Covid-19 chưa đạt đến đỉnh, bất chấp số ca nhiễm mới đã giảm mạnh trong vài ngày qua. Ông Tập yêu cầu hai chính quyền tỉnh Hồ Bắc và Vũ Hán tiếp tục các biện pháp kiên quyết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tăng tỉ lệ bệnh nhân khỏi bệnh, tăng cường hỗ trợ nhân viên y tế, phối hợp đồng bộ với các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại Bắc Kinh
Ông nhấn mạnh phải tập trung bảo vệ các nhân viên y tế ở tuyến đầu như Hồ Bắc, Vũ Hán trong lúc không ngừng sản xuất các thiết bị y tế ở hậu phương.
Nhà lãnh đạo CPC nhắc nhở các cán bộ - đảng viên phải tích cực giúp người lao động trở lại làm việc một cách có qui củ, bảo đảm cung cấp đủ phương tiện chống dịch cho các công ty.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nền sản xuất của Trung Quốc đang đối mặt với muôn vàn khó khăn về nguồn cung, nhân công và mạng lưới hậu cần do dịch Covid-19 kéo dài.
Suốt một tháng qua, tình trạng khẩn cấp được tổ chức khắp Trung Quốc, với các thành phố phải đóng cửa. Các doanh nghiệp nước ngoài nói các nhà sản xuất không thể hoạt động hết công sức vì thiếu khẩu trang, các vấn nạn hậu cần do sự hạn chế đi lại.
Dù nhiều doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động trở lại, nhưng vẫn đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực vì người lao động sợ ra khỏi nhà trong mùa dịch. Một số công ty khác không thể tiếp cận với nguồn nguyên vật liệu cần thiết.
ÔngVương Văn, chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh) nói quyết định bảo vệ các công ty chủ lực là một lựa chọn chiến lược để cân bằng yêu cầu khống chế dịch với yêu cầu đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Ông nói: “Vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị tác động bởi Covid-19, nhưng tác động này sẽ không gây ra cái chết”.
Ông Lưu Học Chí, chuyên gia nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Truyền thông (Trung Quốc) cảnh báo khâu sản xuất của Trung Quốc bị dừng lại gây ra nguy cơ các nhà sản xuất chạy ra nước ngoài: “Sự hội nhập của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được ổn. Thực tế là các ngành sử dụng nhiều lao động và năng lượng đã bị tổn thất từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ trong hai năm qua.
Theo CNBC, trong khi chính quyền Trung Quốc cố gắng khống chế dịch Covid-19, họ cũng phải hành động nhanh để ngăn chặn dịch tác động lên nền kinh tế, nhất là tránh tác động đến việc làm của người dân.
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã quyết tạm ngưng việc yêu cầu các doanh nghiệp đóng góp vào kế hoạch bảo hiểm xã hội cho đến tháng 6 tới, và nhấn mạnh phải xem “công việc làm ổn định” là một bận tâm hàng đầu.
Ngày 20.2, các quan chức nói kế hoạch giảm sự đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội cho nhân công được kỳ vọng là giảm bớt gánh nặng tổng cộng 500 tỉ Nhân dân tệ (71 tỉ USD)cho các doanh nghiệp.
Các chính sách này đi kèm việc Trung Quốc dần bắt đầu quay lại lao động ở các mảng sản xuất, công nghệ cùng các ngành lớn khác. Covid-19 đã bùng phát nhanh chóng từ trước Tết Nguyên Đán, buộc hơn một nửa đất nước Trung Quốc phải đóng cửa lâu ít nhất một tuần so với kế hoạch.
Ngày 20.2, một thăm dò của công ty khảo sát kinh tế China Beige Book với 1.000 công ty Trung Quốc, cho thấy 1/3 số công ty này vẫn còn đóng cửa và gần 1/3 khác hoạt động từ xa.
Khảo sát này còn cho thấy bất kể tầm cỡ công ty hoặc ngành lớn hay nhỏ, các nơi sử dụng lao động này mất thợ nhiều hơn là thuê được, và mức lương thì ở sát bờ vực phải co nhỏ.
Ngày 21.2, Bộ Thương mại Trung Quốc nói việc phục hồi lao động ở tỉnh Quảng Đông (vùng xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc) đã “tăng nhanh”, trong khi các doanh nghiệp chủ lực ở mảng ngoại thương của các tỉnh như Chiết Giang, Sơn Đông đã nối lại khâu lao động ở mức khoảng 70%.
Một ngày trước đó, Bộ nói dự kiến sức tiêu dùng sẽ đi vào giai đoạn hồi phục từ quý2/2020, điều cho thấy cấp độ tác hại của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Trung Quốc, ngay cả khi có thể chặn được dịch trong tháng 3 tới chăng nữa.
Mỹ Trinh (theo AP, SCMP)