Bộ GTVT đề xuất ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử phải có chữ "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định. Cụm từ này phải được làm bằng vật liệu phản quang.

Bỏ ‘gắn mào’ nhưng taxi công nghệ phải dán phù hiệu phản quang

14/08/2019, 12:06

Bộ GTVT đề xuất ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử phải có chữ "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định. Cụm từ này phải được làm bằng vật liệu phản quang.

Bộ GTVT đề xuất gắn phù hiệu thay vì hộp đèn - ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa trình dự thảo lần thứ 10 nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ GTVT đã bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi (xe hợp đồng, xe du lịch) sử dụng hợp đồng điện tử.

Tuy đã bỏ quy định "gắn mào" trên nóc xe, nhưng tại dự thảo này, Bộ GTVT lại có đề xuất dán chữ phản quang trên kính trước và sau nhằm dễ nhận diện.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất ô tô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử phải có chữ "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo quy định.

Đồng thời, các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng cần phải dán cố định cụm từ này trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định. Kích thước tối thiểu của cụm từ là 6x20 cm, phải được làm bằng vật liệu phản quang.

Dự thảo cũng quy định, đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải cần thực hiện lưu trữ toàn bộ lịch sử các giao dịch đã thực hiện trên nền tảng để phục vụ thanh kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu hai năm.

Cùng với đó phải cung cấp cho cơ quan quản lý danh sách các đơn vị vận tải, xe ôtô và lái xe của các đơn vị vận tải hợp tác với đơn vị cung cấp nền tảng; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin đối với các dữ liệu của hành khách…

Như đã thông tin, tại dự thảo lần thứ 9 Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ GTVT quy định xe taxi chia làm 2 loại.

Loại thứ nhất là xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.

Loại thứ hai là xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (gọi là phần mềm tính tiền) trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số...

Cả 2 loại taxi trên đều phải có phù hiệu "Taxi" và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ "Taxi" gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x30 cm.

Ngoài ra, dự thảo này còn quy định, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ "Xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.

Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT phải huỷ bỏ quy định gắn hộp đèn trên nóc xe công nghệ, loại bỏ ngay các điều kiện kinh doanh vận tải không cần thiết, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý với loại hình này.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Đề án đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm: người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Quan điểm của đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.

Đồng thời quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo đó, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ ‘gắn mào’ nhưng taxi công nghệ phải dán phù hiệu phản quang