Ngày 19.1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đã đề nghị các địa phương chuẩn bị điều kiện chu đáo để học sinh sớm trở lại trường ngay sau Tết Nguyên đán 2022.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương sớm đón học sinh trở lại trường

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 19/01/2022, 15:07

Ngày 19.1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đã đề nghị các địa phương chuẩn bị điều kiện chu đáo để học sinh sớm trở lại trường ngay sau Tết Nguyên đán 2022.

Bộ trưởng GD-ĐT cho biết suốt thời gian qua ngành giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh và thực tế việc triển khai tích cực đã có tác dụng. Trong tình hình mới, cần có sự ứng phó chủ động và quyết liệt hơn. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ GD-ĐT, các địa phương, chuyên gia… có thể thấy sau một thời gian dài, nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.

Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

"Đến thời điểm này, khi các điều kiện đã được tăng cường, chúng ta đã có đẩy đủ căn cứ, kinh nghiệm để quyết tâm đưa học sinh quay trở lại trường học. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất ráo riết việc đưa học sinh trở lại trường học. Chúng tôi đề nghị các lãnh đạo địa phương chuẩn bị các điều kiện chu đáo để học sinh trở lại trường, cần có kế hoạch và hành động kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn. Đưa học sinh THCS trở lên đến trường là một yêu cầu. Còn với học sinh mầm non, tiểu học, cần chuẩn bị các điều kiện, cần làm tư tưởng để có sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên. Tránh tình trạng cực đoan, hoặc là chần chừ e dè thái quá, hoặc chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho các trường, cho thầy cô. Ngành giáo dục xác định năm 2022 là năm trọng tâm của việc củng cố, bù đắp kiến thức, chuẩn bị tốt cho các năm tiếp theo"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

hoc-sinh-online.jpg
Việc học online không thể để lâu dài vì ảnh hưởng đến tâm lý học sinh

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô

Về một số việc cần làm sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GD-ĐT theo đó cũng sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo báo cáo của các chuyên gia, các địa phương gần 2 năm qua đã tổ chức dạy học hết sức linh hoạt. Tuy nhiên dạy học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến tâm-sinh lý, sức khỏe tâm thần và thể chất. Vì vậy, Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ chủ trương dạy học trực tiếp của Bộ GD-ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành y tế hiện nay cũng đã và đang chuẩn bị đủ lượng vắc xin để tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi nhằm sớm đồng bộ cho trẻ mầm non, tiểu học tới trường an toàn. Việc tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của học sinh, nhà giáo và cả các phụ huynh.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 70.000 sinh viên năm cuối chưa thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng do thiếu các yêu cầu về thực tập, thực hành năm cuối, điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực cho đất nước. Cùng với tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương sớm đón học sinh trở lại trường