Bộ GD-ĐT vừa thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về môn Lịch sử.

Bộ GD-ĐT thiết kế lại môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông

Dạ Thảo | 04/08/2022, 09:33

Bộ GD-ĐT vừa thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về môn Lịch sử.

Môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn bắt buộc

Bộ GD-ĐT vừa ban hành một số điều chỉnh nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình Giáo dục phổ thông môn Lịch sử. Đảm bảo yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.

Đối với Chương trình môn Lịch sử cấp THPT, môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm (Theo Thông tư 32/2018). Việc điều chỉnh theo các nguyên tắc cơ bản sau: Tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của chương trình tổng thể và đặc điểm môn học Lịch sử. Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Bảo đảm dung lượng kiến thức phải phù hợp nhận thức của tất cả các đối tượng học sinh. Bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, đồng thời giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THPT. Các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi, học sinh cấp THPT. Coi trọng kiến thức Lịch sử dân tộc nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc.

hoc-sinh-12-10.jpg
Môn học Lịch sử ở cấp THPT cần tình yêu nhất định với lịch sử nước nhà

Phần Lịch sử bắt buộc phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh. Chú ý đến sự hài hòa, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu. Bộ GD-ĐT cho rằng, việc điều chỉnh chương trình đảm bảo sử dụng được sách giáo khoa lớp 10 đã biên soạn. Giáo viên đã được tập huấn thực hiện Chương trình 70 tiết/năm, nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm (trong số 70 tiết/năm). Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà.

Đến thời điểm hiện tại, một số trường đã cho học sinh lớp 10 lựa chọn xong tổ hợp môn thì đành phải cho học sinh chọn lại để đảm bảo đúng quy định. Theo một số hiệu trưởng, những thí sinh đã rõ định hướng rõ ràng trong việc dùng tổ hợp nào để xét tuyển đại học thì sẽ có lợi hơn. Cụ thể như các em dự kiến sau này sẽ theo học đại học nhóm ngành tự nhiên thì sẽ chọn nhóm môn tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh mà không cần học tổ hợp nghệ thuật hay địa lý để giảm áp lực việc học.

Việc học Lịch sử xuất phát từ tình yêu môn học

Chia sẻ với phóng viên về việc môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc với 52 tiết/năm, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng lịch sử là môn học quan trọng. Mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Do đó, môn lịch sử cần phải giữ đúng vị thế là môn học quan trọng trong chương trình chứ không phải tự chọn học hay không. "Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước. Lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới. Chúng ta học lịch sử là để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc; không chỉ hiểu về nước mình mà còn hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Chúng ta cần cả quá khứ, hiện tại và tương lai mới thành người được".

Trong khi đó, em Nguyễn Thùy Linh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết mặc dù bản thân em không theo các môn xã hội nhưng em rất ủng hộ môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn. "Khi học trên lớp, em thấy các thầy cô giáo dạy bộ môn Lịch sử cũng không còn quá cứng nhắc dạy theo sách giáo khoa nữa mà chuyển sang kể chuyện và hỏi những câu hỏi chính cho chúng em nắm rõ lịch sử. Chúng em rất ghét nhớ các mốc lịch sử nhưng khi thầy cô giáo giảng dạy, đã dạy chúng em cách nhớ theo năm gắn liền với các sự kiện lớn. Chính vì thế đối với chúng em hiện nay môn học Lịch sử không còn quá căng thẳng nữa".

Đưa ra ý kiến của mình trước đó, thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khẳng định: "Mỗi môn học đều có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong việc cung cấp kiến thức phổ thông, nhưng Lịch sử là môn học đặc thù và đặc biệt. Lịch sử luôn gắn liền và song hành với chính trị, là cội nguồn của mọi quốc gia, dân tộc, thể chế. Giá trị lớn nhất của giáo dục lịch sử là giúp hậu thế phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá khứ và giáo dục cho thế hệ trẻ biết rõ cội nguồn gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước, biết quý trọng những giá trị của lịch sử để kế thừa và phát huy các giá trị đó cho hiện tại và tương lai. Thực trạng dạy học môn Lịch sử trong nhiều năm qua còn những bất cập mà chính giáo viên cũng cần đổi mới phương pháp dạy sử để đến mỗi tiết học môn Lịch sử tạo cho học sinh hứng thú hơn, say mê hơn, dù nhiều em không chọn Lịch sử là môn thi. Nhưng muốn đổi mới mang lại hiệu quả hơn từ đội ngũ các giáo viên sử thì Bộ GD-ĐT phải có những quan tâm nhất định đối với thầy cô giáo môn học này".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT thiết kế lại môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông