Sau khi công bố quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2016, Bộ GD-ĐT tiếp tục công bố danh sách dự kiến 120 cụm thi THPT quốc gia năm 2016 trong đó gồm 70 cụm thi đại học và 50 cụm thi tốt nghiệp.
Các cơ sở giáo dục đại học được giao chủ trì cụm thi có nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, chấm thi, chấm phúc khảo, in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh, thông báo kết quả thi và báo cáo dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia.
Danh sách được công bố cụ thể như sau:
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã đồng ý cho những tỉnh, thành phố được phép có từ 2 cụm thi trở lên để phục vụ thí sinh chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp và các thí sinh có nhu cầu thi đại học, cao đẳng. Đây bước đầu được coi là phương án tối ưu, tạo thuận lợi cho thí sinh không phải đi xa hàng trăm kilômét, tốn kém nhiều tiền ăn, ở.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến chuyên gia giáo dục, việc Bộ vẫn đồng ý cho một địa phương tổ chức tới 2 cụm thi thì dễ dẫn đến chuyện không đảm bảo công bằng, khách quan giữa thí sinh với địa phương. Ví như địa phương nào có trường đại học về phối hợp chủ trì, giám sát sẽ được tỉnh đó đầu tư, đối đãi tốt sẽ dễ dẫn đến...nương tay cho thí sinh nếu thí sinh đó chỉ có mong muốn thi tốt nghiệp. Và việc tiêu cực sẽ xảy ra không chỉ ở địa phương đó mà tất cả các cụm thi khác nếu các khâu không được kiểm tra giám sát.
Chia sẻ về vấn đề này riêng với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Bộ sẽ phối hợp cùng các trường đại học, địa phương nâng cao khả năng giám sát, an ninh và đảm bảo đúng vấn đề bảo mật từ đề thi cho tới việc chấm thi.
Việc các chuyên gia lo lắng tiêu cực ở các cụm thi địa phương Bộ cũng đã tính toán trước đó để tăng cường an ninh và đảm bảo tính minh bạch ở kỳ thi quốc gia năm 2016 này. "Kể cả các cụm thi ở những vùng xa, vùng sâu, nông thôn Bộ cũng sẽ lưu ý, tăng cường thanh kiểm tra đột ngột, nếu bất kỳ trường hợp nào vi phạm cũng sẽ bị kỷ luật nặng" - thứ trưởng Ga khẳng định.
Dạ Thảo