Nói về đề án kinh tế chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra chiều 1.3, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh cho rằng có 3 nhóm vướng mắc trong việc xây dựng đề án này.

Bộ KH-ĐT chỉ ra 3 nhóm vướng mắc trong xây dựng đề án kinh tế chia sẻ

01/03/2019, 21:23

Nói về đề án kinh tế chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra chiều 1.3, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh cho rằng có 3 nhóm vướng mắc trong việc xây dựng đề án này.

Việt Nam đang xây dựng đề án kinh tế chia sẻ - Ảnh minh họa

Sẽ thực hiện kịp tiến độ

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho hay, Bộ KH-ĐT đang hết sức khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan liên quan, các cơ quan nghiên cứu cũng như các chuyên gia trong ngoài nước tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị đánh giá và xây dựng dự thảo đề án này.

“Đến giờ phút này thì chúng tôi có thể khẳng định là chúng tôi sẽ hoàn thành kịp tiến độ thời hạn để trình Thủ tướng Chính thủ xem xét, phê duyệt sớm. Nhìn chung, chúng ta phải xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Nó là một hình thức kinh doanh phi truyền thống nhưng về nguyên tắc thì chúng ta phải công nhận nó là tất yếu”, ông Mạnh nói.

Do vậy, theo ông Mạnh, vấn đề đáng quan tâm của đề án là các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích bên cạnh các công cụ quản lý để đưa các đổi mới sáng tạo cũng như các hình thức kinh doanh mới vào trong nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn và nâng cao được sức cạnh tranh, sự sáng tạo của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Mạnh, hiện có 3 nhóm vướng mắc trong xây dựng đề án này. Thứ nhất là về hình thức pháp lý, liên quan đến một loại hình kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh mới, phi truyền thống chưa có trong các quy định pháp lý, chưa có các nội hàm ý nghĩa một cách chính xác để đảm bảo các hoạt động đăng ký hay quản lý cấp phép. Ngay cả trong phân ngành kinh tế của chúng ta hiện nay cũng phải sắp xếp lại.

Vướng mắc thứ hai là hệ thống pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam được xây dựng rất sớm nhưng đối với hình thức này còn chưa thật đồng bộ và cũng còn những cái điểm chưa thống nhất nên chúng ta phải có những điều chỉnh về mặt pháp lý liên quan đến thương mại điện tử.

Vấn đề thứ ba là những điều còn vướng mắc trong các hành lang pháp lý về quản lý kê khai thuế và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh kinh tế chia sẻ. Bên cạnh các biện pháp chung của Chính phủ để đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chính phủ điện tử hay tạo ra các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, các thanh toán điện tử thì quan trọng nhất, vai trò của Chính phủ là phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với bối cảnh thay đổi này, với loại hình này.

“Các nhà cung cấp cũng phải có những bộ quy tắc, quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như dịch vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Và đối với dịch vụ thanh toán thì chúng tôi có khuyến nghị liên quan đến hệ thống thanh toán hiện đại, đảm bảo an toàn trong thanh toán của kinh tế chia sẻ”, ông Mạnh nói.

Về phía quy định pháp luật, ông Mạnh khuyến nghị cần phải giảm thiểu hoặc bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ kinh tế chia sẻ.

Cùng với đó là tạo ra các cơ chế chính sách có tính chất khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích các hoạt động của kinh tế chia sẻ có dư địa, có điều kiện phát triển.

Tiếp theo là xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến thu, quản lý thuế cũng như các quy định của nhà nước thì chúng tôi cố gắng đưa ra một số khuyến nghị chính sách đảm bảo sự công bằng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ này, tránh sự xung đột cũng như không đảm bảo được sự công bằng giữa các hoạt động kinh doanh.

FLC muốn làm nhà ga T3, nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể

Trả lời báo chí về việc Bộ GTVT đang thúc tiến độ triển khai dự án nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, dự án xây dựng nhà ga T3 trên cơ sở quy hoạch chi tiết của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phê duyệt, Chính phủ đã giao Bộ GTVT.

Theo ông Đồng, trước điều kiện đầu tư cấp bách do tình hình ách tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3 là một trong những công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư.

“Trên cơ sở quá trình đó chúng tôi đã công khai quy hoạch và hiện tại có ACV, đơn vị được giao quản lý khai thác cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đề nghị được đầu tư Nhà ga T3. Tuy nhiên từ 29.9.2018, ACV chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đã có việc các cơ quan xem xét chủ trương đầu tư dự án này, huy động vốn xã hội hoá, do đó liên quan đến cơ quan chủ quản quản lý doanh nghiệp đầu tư đó”, ông Đông nói.

Vẫn theo ông Đông, trong tháng 2.2019, Bộ GTVT nhận được đề nghị của FLC về vấn đề này. Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh. Nội dung này Bộ đang tập hợp các đề xuất.

“ACV có nghiên cứu chi tiết tương tự đề án tiền khả thi còn FLC mới đề nghị chưa có nghiên cứu cụ thể. Tóm lại chúng tôi sẽ tập hợp lại và làm việc với các cơ quan của Chính phủ cũng như Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại DN để lựa chọn sớm nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, ông Đông nói.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do ACV lập, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm, diện tích sàn 100.000 m2, mở rộng sân đỗ trên diện tích 4.650 m2. Khái toán tổng mức đầu tư là khoảng 11.430 tỉ đồng. Thời gian xây dựng là 43 tháng.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ KH-ĐT chỉ ra 3 nhóm vướng mắc trong xây dựng đề án kinh tế chia sẻ