Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội vừa có báo cáo về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Có nên tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng?

25/02/2019, 16:07

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội vừa có báo cáo về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Ảnh minh họa giải phóng mặt bằng từ Internet

Có nên tách riêng việc bồi thường, tái định cư?

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội (Ủy ban TCNS) cho rằng, việc quy định về dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công là chưa hợp lý.

Cụ thể, nếu tách riêng công tác này để bố trí vốn đầu tư công có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu nguồn lực, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và dễ gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với các trường hợp đặc thù, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà cần thiết phải tách riêng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.

Do đó, ủy ban này đề nghị không quy định dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là dự án đầu tư công độc lập. Trong trường hợp dự án đặc biệt cần thiết, Chính phủ có thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, song, dự thảo luật cần quy định những điều kiện, tính đặc thù của loại dự án này.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng việc bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp. Nếu tách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Mức vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia tăng 50%

Một số ĐBQH nêu ý kiến việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỉ đồng lên 35.000 tỉ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.

Còn theo nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS thì thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như Luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn.

Để luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỉ đồng.

Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành và thể hiện tại các điều 7, 8, 9, 10 của dự thảo luật.

Cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỉ đồng.

Nguy cơ Chính phủ, Thủ tướng phải xem xét quá nhiều dự án

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư như dự thảo luật, theo Ủy ban TCNS, quy định này sẽ dẫn đến các chương trình, dự án sử dụng “một phần vốn ngân sách Trung ương” đều phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể dẫn đến có quá nhiều dự án cần phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tương tự như vậy, HĐND, UBND cấp tỉnh cũng phải xem xét, quyết định khá nhiều dự án do địa phương quản lý. Do đó, Ủy ban TCNS cho rằng cần phân cấp mạnh hơn và tạo tính chủ động cho các cấp quản lý ngân sách ở địa phương.

Theo đó, đối với dự án hỗn hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương và nguồn “Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương” do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ trong quản lý các nguồn lực đầu tư công thì các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp quản lý khác nhau, cấp cao nhất có vốn thuộc cấp mình quản lý tham gia đầu tư chương trình quyết định chủ trương đầu tư.

Cơ quan nào quyết dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn?

Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định danh mục cụ thể từng dự án cho cả kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm là không khả thi và đề nghị quy định thẩm quyền quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn là của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, các ý kiến trong Ủy ban TCNS chưa tán thành với quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Lý do là việc này chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước; chưa bảo đảm với tính thống nhất các văn bản luật hiện hành về nội dung này.

Hơn nữa, Quốc hội, UBTVQH đang thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử, theo đó quyết định phân bổ nguồn lực NSNN cho các nhiệm vụ với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

Trong khi đó, việc phân bổ nguồn lực đầu tư công cho cả giai đoạn 05 năm là vấn đề rất lớn, tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn lớn của NSNN, có ý nghĩa quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn; không chỉ đơn thuần là vấn đề điều hành của Chính phủ. Do vậy, phải được cơ quan dân cử xem xét thận trọng.

Ủy ban TCNS đề xuất 2 loại ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần giao UBTVQH quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vì xét về căn cứ pháp lý, hiện nay Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn đã giao thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho UBTVQH.

Hơn nữa, chỉ có thể xây dựng danh mục khi Quốc hội đã quyết định Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia, trong đó xác định tổng nguồn lực dành cho đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Khi Quốc hội chưa quyết định những nội dung này thì sẽ không thể thẩm định được nguồn lực cho các dự án, không thể lựa chọn các dự án để đưa vào danh mục và sẽ gây ra việc vi phạm điều cấm trong luật.

Do đó, loại ý kiến thứ hai kiến nghị quy định Quốc hội quyết định những nội dung lớn, mang tính định hướng, quyết định tổng nguồn lực, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ và danh mục các dự án quan trọng quốc gia; còn đối với các dự án còn lại thì giao UBTVQH quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng?