“Trong thời gian qua, nhiều Bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”, Bộ Nội vụ nêu rõ tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí ngày 26.3.

Bộ Nội vụ: Nhiều luật chuyên ngành của các Bộ phá vỡ quy định tiền lương

Trí Lâm | 27/03/2018, 06:59

“Trong thời gian qua, nhiều Bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”, Bộ Nội vụ nêu rõ tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí ngày 26.3.

Rút đề xuất tăng lương giáo viên

Liên quan đến đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảoLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Nội vụ cho biết, tại Kết luận số 23-KL/TƯ của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về tiền lương, bảohiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2022 nêu rõ: “Áp dụng một bảng lương chung, thực hiện chính sách đặc thù ngành nghề bằng chế độ phụ cấp; nghiên cứu mở rộng khoảng cách giữa các bậc lương cho phù hợp”.

Đồng thời yêu cầu “rà soát, xác định rõ các đặc thù, trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp để đảm bảo công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề, công vụ)”.

Bên cạnh đó, Hội nghị lần thứ 8Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công) cũng kết luận: Đối với cán bộ, viên chức ở các ngành sự nghiệp thì áp dụng chung một bảng lương để làm căn cứ cho việc cấp hoặc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, để đóng/hưởng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm y tế, trả lương ngày nghỉ chế độ.

“Tiền lương thực trả phụ thuộc vào nguồn thu và kết quả hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp, các ngành giáo dục, y tế... được thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi phù hợp”, kết luận nêu.

Căn cứ quy định nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2004 ngày 14.12.2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và đã ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo.

Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004, được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi của Nhà nước đối với nhà giáo.

“Trong thời gian qua, nhiều Bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”, Bộ Nội vụ nêu rõ.

Hiện nay Ban Chỉ đạo Trung ương về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (do Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm trưởng ban) đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Vì vậy, Bộ Nội vụ cho biết đã đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo luật để nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ với chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước.

Bước tiến mới trong trọng dụng người tài

Tại buổi họp báo, Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ sớm báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ dự thảo tờ trình, Nghị định và Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động (CBCCVC, LLVT, NLĐ) trong các DN để báo cáo Bộ Chính trị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Hội đồng Lý luận Trung ương đã họp cho ý kiến về vấn đề này. “Đây là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, rất khó, liên quan đến nhiều cân bằng vĩ mô, từ đời sống người hưởng lương đến các vấn đề ổn định xã hội”.

Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho biết, Bộ trưởng Nội vụ đã thành lập đoàn đi nghiên cứu khảo sát thực tế các bộ, ngành, địa phương, đi học tập nước ngoài, làm việc với các tổ chức quốc tế để vận dụng các kinh nghiệm tại Việt Nam. Cơ chế lần này sẽ có nhiều điểm mới, phân cấp phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương.

Ông Dũng nêu ví dụ, từ trước đến nay, quy định tiền lương theo ngạch bậc “cứng”, các thủ trưởngđơn vị không có quyền trong tuyển dụng nhân tài thì trong đề án tiền lương này đã đề cập trao quyền cho thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương có cơ chế để tuyển những người có năng lực vào bộ máy và trả tiền lương xứng đáng.

Đồng thời, đề án này cũng cho phép các địa phương có quyền tự chủ. Khi tự cân đối được ngân sách nhà nước, tự đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương trong một giai đoạn ổn định ngân sách thì cũng được quyền tự quyết định tiền lương cao hơn.

"Đề án cải cách tiền lương liên quan đến cả hệ thống chính trị, nên phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống bảng lương. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương còn phụ thuộc vào nguồn lực, ngân sách nhà nước và kết quả tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế sự nghiệp, nên dự thảo này đang được tiếp tục lấy ý kiến. Dự kiến báo cáo trung ương trong tháng 5.2018”, ông Dũng khẳng định.

Liên quan đến Nghị định 140 mới đây của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ trẻ sinh viên và cán bộ khoa học trẻ, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành chia sẻ, mục đích của việc này nhằm thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Qua đó khẳng định Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ, mạnh dạn phân công, giao nhiệm vụ, đồng thời quan tâm tạo điều kiện để các trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.

“Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật quy định một chính sách quốc gia về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng”, ông Thành nói.

Vị này cũng cho hay, Luật Cán bộ công chức trước đây cũng có chính sách để phát hiện, thu hút, đãi ngộ người tài, nhưng mới chỉ dành cho đối tượng là công chức, còn những người trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đề cập. Còn Nghị định 140 vừa qua là văn bản thể chế hóa Kết luận 86 ngày 24.1.2014 của Bộ Chính trị, mong muốn xây dựng một đội ngũ nhân tài, bồi dưỡng thành chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Nội vụ: Nhiều luật chuyên ngành của các Bộ phá vỡ quy định tiền lương