Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển về việc Trung Quốc đơn phương lệnh cấm đánh bắt cá và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị.

Bộ Nông nghiệp: Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị

Trí Lâm | 24/04/2018, 13:49

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển về việc Trung Quốc đơn phương lệnh cấm đánh bắt cá và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị.

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển cho biết, Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12 giờ ngày 1.5 đến 12 giờ ngày 16.8 trong Biển Đông - vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến - Quảng Đông, kể cả Vịnh Bắc bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển biết và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị.

Đồng thời, cần động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển. Lưu ý, tàu cá có Giấy phép đánh bắt trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ năm 2017-2018, không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc bộ trong thời gian nói trên.

Bộ này yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời thông báo về các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển về Bộ NN-PTNT.

Trước đó, Hội nghề cá cho biết, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo điều chỉnh quy chế cấm đánh bắt cá trên biển bao gồm một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam có hiệu lực từ 12 giờ ngày 1.5.2018 đến 12 giờ ngày 16.8.2018 đã gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Hội nghề cá kịch liệt phản đối hành động cấm đánh bắt cá đơn phương, hết sức phi lý và không có giá trị pháp lý của Trung Quốc.

Cũng theo hội này, hành động này đãvi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp hữu hiệu sớm ngăn chặnđể chấm dứt hành động trên của Trung Quốc; cần thường xuyên có lực lượng tàu chấp pháp trên biển để tăng cường công tác bảo vệ ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 22.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc.

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, người phát ngôn nói.

Cũng theo bà Hằng, quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Việc này cũng trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam -Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay.

Lam Thanh
Bài liên quan
Tesla vượt rào cản pháp lý cho phần mềm tự lái xe ở Trung Quốc sau chuyến đi của Elon Musk
Tesla đã vượt qua một số rào cản pháp lý quan trọng vốn từ lâu cản trở việc triển khai phần mềm hỗ trợ tự lái xe tại Trung Quốc, sau chuyến đi bất ngờ của Elon Musk tới thị trường lớn thứ hai của hãng ô tô điện Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
7 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Nông nghiệp: Lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị