Đầu năm, cánh cựu chiến binh chiến trường K tụ tập cà phê chủ nhật, rôm rả cả buổi sáng. Đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Từ thời sự, thể thao, kinh tế, địa ốc đến thời tiết, chuyện ngày xưa và dự báo tương lai...

Bò ở đâu sướng nhất?

01/03/2018, 16:09

Đầu năm, cánh cựu chiến binh chiến trường K tụ tập cà phê chủ nhật, rôm rả cả buổi sáng. Đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Từ thời sự, thể thao, kinh tế, địa ốc đến thời tiết, chuyện ngày xưa và dự báo tương lai...

Anh em làm đủ nghề. Từ giám đốc, thầy giáo, chạy grab bike, bảo vệ, giữ nhà giữ cháu, nội trợ cho đến việc... chê mình. Ngoài đời, đủ thứ hạng, vào quán là con nhà lính. Đứa nào cũng mày tao bình đẳng và "hợp tác xã chi tiêu". Lâu lâu, có người tài trợ nhưng không ai xin ai.

Gần hết cữ, Chính, lính trinh sát mặt trận, nên về làm dân vẫn luôn hóng chuyện thời sự, lém lỉnh hỏi mọi người: “Đố tụi bây, bò ở đâu sướng nhất?”

Cả bọn nhao nhao giành trả lời. Thằng Lộc “cối” (vì nó là pháo thủ cối 82) cãi:“Nếu là thực phẩm thì phải hỏi, thịt bò ở đâu ngon nhất chớ”. Không đợi trả lời, nó tiếp luôn. “Bò Tây Ninh, dưới chân núi Bà Đen là ngon nhất. Tao là dân Tây Ninh, ăn bò khắp nơi, nhưng chẳng đâu qua được bò núi Bà Đen. Tao dẫn cả bạn bè về ăn, bắt tự trả tiền và chúng nó đều cho là bò nướng ở đây số 1”.

Thằng Long D (không phải dê 35 mà D là Tiểu đoàn, nó làm trợ lý cho D trưởng) bảo: “Bò ở đảo Phú Quý, Bình Thuận. Vì được ăn cỏ sạch, không khí sạch và thường xuyên tắm biển nên món bò nóng ở đây ngon điếc mũi. Bò xẻ thịt, nóng hổi, thích miếng nào, thẻo miếng đó, bỏ lên lò than phi lao đỏ rực, nướng tươi, không cần gia vị là bá cháy bọ chét ".

Thằng Tiến quân lực, dân Sài Gòn thứ thiệt thì ôn tồn:“Bò tơ Củ Chi là ngon nhất, hơn cả bò Úc, bò Nhật? Gần, muốn đi lúc nào cũng được, giá hợp lý, hợp khẩu vị. Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục, cũng là cái ao!”…

“Tao nói bò là bò, chứ không phải thịt bò”.

“A, thằng này chơi chữ”.

Bò là hành động di chuyển của bò và một số loài vật bốn chân. Con người, hồi bé, trước khi biết đi cũng bò bằng hai tay hai chân. Trước khi biết bò, trẻ thường tập trườn trước. Lớn lên thì khác, thỉnh thoảng mới bò hoặc trườn, nhất là trong “chiến đấu” cả nghĩa đen và nghĩa bóng”.

Lại sôi nổi tranh luận. Trong cuộc sống, bò là nhục, là hèn. Hoặc không gian quá thấp phải bò chứ không thể đi hay ngồi. Trong chiến tranh, nguy hiểm mới phải bò hoặc trườn để tiếp cận mục tiêu. Đã bò, thì không bao giờ sướng cả.

Thấy mấy đàn anh luận chiến, Vinh, lính Tuyên huấn, nhỏ tuổi nhất nhóm nhỏ nhẹ: “Bò trên em là sướng nhất!”

"Mày ở xứ “Buồn Muôn Thủa” (Ban Mê Thuột), bà con dân tộc nuôi trâu chứ đâu có nuôi bò mà biết sướng hay khổ?”

“Em nghe mấy ông anh nhậu tăng ba về kháo nhau bò trên em cực sướng!”

“Thằng này chí lí, tuổi nhỏ tài cao”. Cả bọn cười bò càng.

“Thôi đi mấy cha nội. Tao nói bò, con bò, gia súc, chứ không nói thịt bò mà ngon hay dở. Cũng không phải bò hay trườn mà sướng hay phê?"

"Sao mày không nói thẳng từ đầu, cứ lơ lửng để anh em diễn nghĩa đủ thứ. Thằng này hôm nay trở chứng. Chắc trời sắp mưa”.

Minh cười hề hề: “Tao nói chưa hết mà tụi bây đã giành trả lời".

- Bò sướng nhất phải ở Mỹ hoặc châu Âu. Chỉ đứng hoặc ngồi, không phải đi. Suốt ngày được vỗ béo bằng cỏ trồng và thực phẩm dinh dưỡng dể vắt sữa. Chẳng phải suy nghĩ gì.

- Ai bảo bò Mỹ sướng? Sướng sao cứ điên hoài? Cho ăn toàn đồ bổ, đứng một chỗ, suốt ngày bị bóp vắt mà không được xơ múi gì. Chẳng bao giờ có người yêu người tình, chẳng biết đẻ chửa là gì; không điên mới lạ ?

- Chuẩn, không cần chỉnh.

- Vậy đích thị bò ở Việt nam là sướng nhất. Được thả rông, ăn cỏ tự nhiên, tha hồ tán tỉnh và làm tình, không bị vắt sữa hàng ngày. Thi thoảng bò đực mới phải kéo cày, kéo xe vì máy móc giành hết việc. Bò cái chỉ làm nhiệm vụ cao cả là sinh đẻ có kế hoạch. Gần già mới bị xẻ thịt”.

- Có lý, có lý.

- Đồng ý bò Việt Nam sướng nhất, nhưng phải cụ thể ở vùng nào”.

Lại bàn tán ầm ĩ, không ai chịu ai. Cuối cùng phải nhờ Chính bật mí.

- Bò Quảng Ngãi sướng nhất!.

- Tại sao, tại sao?”. Cả đám nhao nhao.

- Bò Quảng Ngãi vẫn được ăn cỏ tự nhiên, có chăn dắt nhưng không gò bó. Mùa này còn được tẩm bổ toàn bằng rau, đậu, củ… vốn lâu nay chỉ dành cho con người nên con nào nhìn cũng bảnh bao, bắt mắt.

- Mày nói xạo. Nuôi bò kiểu đó sạt nghiệp sớm.

– Ê, tao nói có sách, mách có báo nha. Báo chí đăng đầy. Bà con nông dân xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi phải năn nỉ bò ăn dùm dưa leo, đậu co ve, đậu đũa, cải xanh… vì giá quá rẻ. Mỗi ký chỉ còn 500 – 1.000 đồng, rẻ hơn cả cỏ. Tiền bán không đủ trả tiền thu hoạch. Bán 20 kg mới được tô phở bình dân. Nhiều nhà bỏ cho thúi đất. Nhiều nhà bỏ công thu hoạch mời bò bồi dưỡng cho đỡ tiếc của.

Không khí chùng xuống. Ai cũng nghĩ ngợi suy tư. Sáng nay mỗi đứa mất toi mấy chục ký rau, phải trồng và chăm sóc mấy tháng. Tự dưng thấy xót xa. Thương bà con nông dân, bao đời nay, khổ vẫn hoàn khổ. Có đứa còn bảo mấy nước đang đặt mua bò Quảng Ngãi vì toàn được ăn rau củ cao cấp nên thịt ngon bá cháy!

Rau rẻ hơn cỏ nhưng các siêu thị giá rau củ vẫn không đổi, gấp mấy chục lần mua ở ruộng. Bi kịch là ở đó. Có cách gì giảm bớt cách biệt thu nhập giữa nông dân và nhà phân phối, để nông dân bớt khổ?

Dĩ nhiên, cũng không ít nông dân hám lợi, sử dụng vô lối phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng để thu lợi bất chính, làm hại người tiêu dùng. Nhưng phải nhìn từ cả hai phía, đặc biệt là vai trò quản lý nhà nước.

Nhà nước ngoài nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ còn phải giám sát kiểm tra các hành vi trái luật. Không để những nông dân chân chính làm ra sản phẩm cứ mãi phập phồng vì thương lái thao túng và chèn ép.

Có cách gì điều tiết thị trường hiệu quả hơn. Sao không tính chuyện xuất khẩu? Năm 2017 xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đạt 3,514 tỉ usd, tăng 43,02% so với 2016; qua mặt cả gạo, dầu thô...

Năm 2011, tôi qua Dubai. Ra mấy cửa hàng nhỏ, thấy họ bán thanh long héo giá 10,5 USD/ kg mà té ngửa. Nhìn kỹ, dù dán nhãn Trung Quốc nhưng biết ngay thanh long Bình Thuận. Té ngửa vì thanh long Bình Thuận lúc đó rớt giá thê thảm, chỉ còn 2.000 đồng mỗi ký, không đủ trả công hái. Xót của, có mấy người gom hàng chở lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bán cho Trung Quốc được 5 - 6.000 đồng mỗi ký. Từ Bình Thuận, thanh long chỉ 2.000 đồng, qua Dubai giá lên tới 10,5 usd; gấp hơn 100 lần. Các nước xung quanh như Singapore, Brunei, Hồng Kong… cũng phải nhập khẩu gần như toàn bộ rau củ quả. Ngay cả Campuchia, hàng ngày xe containner chở rau củ quả, xuất bến từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, qua ngã Xa Mát (Tây Ninh) để lên Siem Reap hoặc vào Phnom Penh. Giá rau quả ở đây đắt hơn thịt cá.

Lời giải bài toán nông sản thường xuyên rớt giá thê thảm nằm trong tay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nhà nước. Cụ thể là Bộ Nông Nghiệp và Bộ Công Thương. Các nước làm tốt chuyện này nên nông dân xứ họ không khổ như nông dân Việt Nam.

Xin đừng để nông dân tự bơi giữa mênh mông rủi ro thị trường. Phải có thuyền lớn, hiện đại, có máy định vị để đương đầu với sóng to gió lớn. Không thể ra biển lớn với thuyền chèo hay thuyền thúng. Yêu nước thì phải thương dân. Không thể để mặc cho người dân tự giải cứu nhau, thậm chí phải nhờ trâu bò giải cứu như hiện nay được.

Bò thì sướng mà người thì khổ. Mà chắc gì bò đã sướng. Thấy bò ăn đậu cove, đậu đũa mà mắt ướt như mắc nghẹn. Chắc nó thương chủ nên nuốt không nổi ?

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bò ở đâu sướng nhất?