Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Đây là một thành tựu nổi bật của đất nước sau hàng chục năm chưa làm được.

Khi dầu khí mất dần thế mạnh và nông sản trở thành một ‘soái ca’ xuất khẩu

28/02/2018, 11:20

Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Đây là một thành tựu nổi bật của đất nước sau hàng chục năm chưa làm được.

Nông sản Việt Nam hiện xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới - Ảnh: minh họa

Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Có thể nói, vai trò của một Nhà nước kiến tạo bước đầu phát huy hiệu quả. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý.

Giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí...

Quan điểm nói trên được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh tài nguyên là nhiên liệu đã không còn dồi dào, dễ khai thác. Nhiều người trong chúng ta cũng nghe nói rằng lâu nay ngành dầu khí Việt Nam ta khai thác ngoài biển khơi có phần thiếu khoa học, nặng về quyết tâm chính trị. Điều này đã khiến mạch dầu dưới lòng biển "không kịp thở" như một chuyên gia trong ngành dầu khí từng lắc đầu nói vậy với tôi, nay nghiệm ra thì quả là quá đúng.

Vị chuyên gia nọ từng nói với tôi, đại thể rằng: Ở Việt Nam, những mỏ nhỏ, gần bờ nếu khai thác thì lời lỗ rất mong manh và nếu không làm tốt thì sẽ lỗ. Khi nào giá dưới 50 đôla/thùng thì càng làm càng lỗ. Nếu hút nhanh, hút nhiều mà bất chấp quy trình khai thác thì dầu thu hồi tụt xuống rất tai hại, không kịp phục hồi. Nếu lại ép nó gượng quá (ép dòng) thì sự cưỡng bức này dẫn đến bít dòng. Đây là điều ngành dầu khí lâu nay hay làm, do chạy theo nhiệm vụ chính trị từ trên dội xuống cộng với bệnh thành tích, để chiều theo ý cấp trên, duy ý chí mà thiếu khoa học trong khai thác.

Tuy nhiên, sau những sự cố dồn dập đến với ngành dầu khi trong năm 2017 và có thể nói là cả trước đó cũng đã manh nha xuất hiện những bất ổn, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong năm qua cũng đã vượt qua nhiều thử thách khó khăn để có những kết quả đáng mừng.

Báo VietNamnet từng đưa: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ một thông tin thú vị tại Hội nghị toàn thể chương trình hỗ trợ quốc tế 2017 (ISG 2017) với chủ đề “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản”. Ông cho biết:

Trong 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Nông sản Việt Nam hiện xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới và luôn nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất. Nếu giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2016 đạt 32 tỉ USD thì năm 2017 có thể đạt 36 tỉ USD, với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị thấp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông nghiệp.

Riêng ngành xuất khẩu rau quả cũng đã có những bước phát triển tích cực đến bất ngờ, đạt 4 tỉ đô la. Nó đã khiến ngành dầu khí mất đi vị trí đứng đầu, là mũi nhọn của nền kinh tế suốt hàng chục năm nay. (Trong 11 tháng đầu năm 2017, dù đã rất cố gắng nhưng dầu thô mới xuất khẩu được 2,44 tỉ đô la).

Một đất nước vốn nghèo vì kinh tế tiểu nông, có đủ sức thay đổi để đi lên bằng chính nghề nông?

Bất chợt tôi nhớ đến hồi tháng 9.2016, với quyết tâm lập lại trật tự trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mới gần 5 giờ sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bất ngờ xuống xe ở cổng chợ rồi rảo bước vào chính trung tâm chợ đầu mối rau quả Long Biên, đầu mối lớn nhất Hà Nội. Sau đó, ông cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn đến tận chân ruộng ở ngoại thành Hà Nội, nơi sản xuất rau quả để gặp từ tiểu thương cho đến nông dân trước khi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về vấn đề rất lớn nói trên.

Một chủ trương đúng được ban hành rộng rãi thường bắt đầu từ thực tiễn cuộc sống mà ra. Trong những năm qua, theo xu thế làm ăn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản..., các doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư lớn vào đây mà không ngại rủi ro. Trong lúc mới hình thành và bước đầu đáp ứng nông sản sạch cho thị trường, họ cũng đã chiếm được cảm tình và tin cậy của người tiêu dùng. Người dùng rau sạch đã ngày một nhiều hơn. Song, chúng ta không vì thế mà không quan tâm đến những người không có điều kiện dùng rau sạch. Nó là vấn đề cốt lõi để cả xã hội được cải thiện về sức khỏe, nòi giống.

Song, có lẽ đầu tư nổi hơn cả mới có Tập đoàn Vingroup trong lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. Sứ mệnh của VinEco là cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người dân Việt, tiến tới việc đưa một số nông sản có thế mạnh của Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, cũng không thể một sớm một chiều sản phẩm của họ đã có thể "bao" hết cả nước. Nó đòi hỏi phải có nhiều, rất nhiều DN khác cùng làm và áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Vào tháng 10 năm trước, VietNamnet đưa tin tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ có nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp đã giúp Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Phó thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0).

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Phó thủ tướng cho rằng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Phó Thủ tướng khẳng định: “Phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này”.

Tuy con số tăng trưởng về nông nghiệp, trong đó có ngành rau quả khá cao. Song, đi sâu tìm hiểu thì các nhà kinh tế vẫn chưa hài lòng vì cho rằng chưa thật yên tâm, còn có những bất ổn (kiểu như xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ vừa rồi gặp trục trặc; hoặc tệ nạn sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan mà Nhà nước thì gần như bất lực, không nghiêm trị nổi, khiến người nông dân vốn nghèo lại bị thất bát khi thu hoạch nông vụ; hoặc nhập cả tỷ đô la hoa quả ngoại mỗi năm trong khi còn nhiều thứ trái cây nước nhà vẫn khó khăn khi muốn xuất khẩu ...).

Để phát triển bền vững và an toàn, rõ ràng nông nghiệp cần được đầu tư căn cơ, bài bản hơn rất nhiều. Hiện tượng các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, như Hoàng Anh Gia Lai v.v... vừa qua đầu tư vào nông nghiệp sạch khá bài bản đã cho thấy đó là hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai. Đó cũng là xu hướng tất yếu của phát triển nông nghiệp 4.0, là xu hướng tất yếu để dần dần đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam đi lên.

Hy vọng nó sẽ xứng tầm với một đất nước có đến trên 60 triệu dân sống bằng nghề nông, lâu nay luôn bị xem là đối tượng nghèo hoặc làm cũng chỉ đủ ăn chứ không thể trở nên giàu có. Đã đến lúc Nhà nước cần có một cái nhìn khác, phải làm sao để sớm đưa khoa học công nghệ cao áp dụng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân dần dần có một đời sống dễ chịu hơn, khá hơn và rất có thể sẽ giàu lên từ nông nghiệp.

Tôi nghĩ, ở một xứ sở có đất đai tươi tốt, thiên nhiên tuy cũng có khi khắc nghiệt nhưng về cơ bản là thuận hoà như nước ta, cớ gì chúng ta lại không thể làm được?

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi dầu khí mất dần thế mạnh và nông sản trở thành một ‘soái ca’ xuất khẩu