Trung Quốc đang tiến hành can thiệp thô bạo, trong các hoạt động dầu khí ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền”, Lầu Năm Góc cho biết tối thứ hai hôm qua đồng thời cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các chiến thuật chèn ép.

Bộ quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

27/08/2019, 08:26

Trung Quốc đang tiến hành can thiệp thô bạo, trong các hoạt động dầu khí ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền”, Lầu Năm Góc cho biết tối thứ hai hôm qua đồng thời cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các chiến thuật chèn ép.

Hải quân Mỹ cam kết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông

Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy một tàu khảo sát của Trung Quốc hôm thứ bảy 24.8 đã mở rộng hoạt động của mình đến một khu vực gần bờ biển Việt Nam. Hành vi mờ ám trên xảy ra sau khi Hoa Kỳ và Úc bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông

“Trung Quốc gần đây nối lại sự can thiệp thô bạo đối với hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông”, tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết.

Lầu Năm Góc cho biết các hoạt động của Bắc Kinh đã mâu thuẫn với lời của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, người cam kết trong một bài phát biểu tại Singapore hồi đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ gắn bó với con đường phát triển hòa bình.

Tuyên bố Trung Quốc sẽ không chiếm được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng cách duy trì các chiến thuật bắt nạt của mình, tuyên bố nêu thêm.

Thứ 5 tuần trước, Bộ ngoại giao Mỹ cũng lên án hành động trên của Trung Quốc với tuyên bố:

"Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc rằng Trung Quốc đang tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí có từ lâu đời của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, gồm cả trong Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.

Việc Trung Quốc tái bố trí một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ, cùng với các tàu hộ tống vũ trang, vào vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính vào ngày 13 tháng 8, là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên có chủ quyền khác khỏi việc phát triển tài nguyên ở Biển Đông.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các bước có chủ đích để can thiệp vào các hoạt động kinh tế lâu đời, đáng tin cậy của các nước tại ASEAN có chủ quyền, trong nỗ lực ép buộc họ từ chối hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc sở hữu. Trong trường hợp ở bãi Tư Chính, Trung Quốc đang gây áp lực cho Việt Nam về việc ngưng hợp tác với một công ty năng lượng của Nga và các đối tác quốc tế khác.

Các hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực, áp bức gây tổn thất kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn họ tiếp cận nguồn tài nguyên hydrocarbon ước tính 2,5 nghìn tỉ USD chưa được khai thác và chứng minh Trung Quốc coi thường quyền việc các quốc gia thực hiện các hoạt động kinh tế trong EEZ của họ, theo Công ước (của Liên Hiệp Quốc) về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996.

Các công ty của Hoa Kỳ là những đơn vị dẫn đầu thế giới trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên hydrocarbon, bao gồm cả ngoài khơi và ở Biển Đông. Do đó, Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hoặc ép buộc các nước đối tác từ chối hợp tác với các công ty không của người Trung Quốc, hoặc nói cách khác là quấy rối các hoạt động hợp tác của họ. Hoa Kỳ cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đảm bảo việc sản xuất dầu khí khu vực cho thị trường toàn cầu không bị gián đoạn".

Ngày 22.8, phóng viên nêu câu hỏi Việt Nam có phản ứng như thế nào và hành động gì cụ thể sau khi nhóm tàu Trung Quốc quay lại vùng biển Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương 8 đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp hình hình, đe doạ đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và theo đúng pháp luật Việt Nam.

Với quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một lần nữa, Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc có nói vùng biển tàu Trung Quốc hoạt động thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8, phía Việt Nam đã nói rõ nhiều lần, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông