Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 6,55% kế hoạch năm 2023.

Bộ Tài chính 'sốt ruột' trước tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm

H.Đ | 05/03/2023, 22:30

Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt 6,55% kế hoạch năm 2023.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%); trong đó vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).

Nếu tính bình quân, kết quả giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao, mỗi tháng cả nước phải giải ngân gần 59.000 tỉ đồng (trung bình mỗi ngày khoảng 1.900 tỉ đồng). Trong khi 2 tháng đầu năm vừa qua, trung bình mỗi tháng cả nước mới giải ngân được hơn 24.600 tỉ đồng, chỉ bằng 40% kế hoạch đề ra. Nếu chuyển hơn 68.800 tỉ đồng vốn chưa được giải ngân đúng kế hoạch của 2 tháng đầu năm sang 10 tháng tiếp theo của năm 2023, mỗi tháng cần giải ngân gần 65.900 tỉ đồng. Đây là một áp lực rất lớn cho công tác giải ngân trong những tháng còn lại của năm.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2, có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%). Ngoài ra, có 50/52 Bộ và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Để vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vừa giảm áp lực giải ngân cho những tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" cho các dự án để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc chương trình này.

Đồng thời, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 95/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã có chủ trương đầu tư, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 nếu có nhu cầu.

Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi dự kiến phương án phân bổ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong ngày 6.3.2023 theo đúng quy định, không để chậm trễ hơn nữa.

Đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 của 49 bộ, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Còn lại 3 bộ, cơ quan trung ương (gồm: Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng Công ty thuốc lá) Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023.

Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 tỉnh, thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính 'sốt ruột' trước tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm