Tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên sẽ phải chịu thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất trong dự án Luật thuế tài sản.

Bộ Tài chính tính đánh thuế đối với nhà ở trên 700 triệu đồng

tuyetnhung | 13/04/2018, 19:16

Tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên sẽ phải chịu thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất trong dự án Luật thuế tài sản.

Đề xuất đánh thuế tài sản ô tô, tàu bay...

Đó là thông tin được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản do Bộ Tài chính tổ chức chiều 13.4. Ông Thi cho biết Dự án luật lần này sẽ tính tới phương án đánh thuế tài sản đối đối với tài sản là tàu bay, du thuyền, ô tô. Cụ thể, sẽ có 2 phương án đánh thuế tài sản với tàu bay, ô tô, du thuyền. Phương án 1 là đánh thuế tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng. Phương án hai là không đánh thuế các đối tượng trên.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Để thống nhất với quy định về giá tính thuế đối với đất, nhà, đề nghị giá tính thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên sẽ được Bộ Tài chính đề xuất như sau:

Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô mới: Giá tính thuế là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô đã qua sử dụng: Giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới nhân với tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tài sản tại thời điểm tính thuế.

Ông Thi cho biết hiện nay trên thế giới đang có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện (trong đó có ô tô, tàu bay, tàu thuyền) là Hàn Quốc, Kazakhstan và Bolivia, trong đó Hàn Quốc chỉ đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền.

Nhà trên 700 triệu chịu thuế tài sản 0,3 - 0,4%

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án đánh thuế tài sản đối với nhà ở trên 700 triệu đồng là 0,3 hoặc 0,4%. Theo tính toán của cơ quan này, với thuế suất 0,3%dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng hoặc khoảng 23.300 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỉđồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng hoặc khoảng 31.000 tỉ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Sau khi trình 2 phương án thu thuế tài sản đối với nhà và đất ở, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Lý do được Bộ này đưa ra là nhằm phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu NSNN, theo Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14.

Cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra các phương án tính thuế suất nhà và đất ở trên, ông Thi lý giải là theo kinh nghiệm nước ngoài thì mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước đều áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực.

Chẳng hạn, Philippines đánh thuế 2% ở Manila, 1% ở tỉnh khác đối với nhà ở, nhà kinh doanh, đất ở, đất xây dựng công trình. Indonesia đánh thuế 0,5% đối với nhà, đất có giá trị vượt 8.000.000 Rp. Singapore đánh thuế từ 4% đến 16% theo giá trị nhà, đất vượt ngưỡng (trong đó nhà thương mại, nhà công nghiệp và đất là 10%).

Hàn Quốc đánh thuế 0,2% đến 0,5% đối với đất (riêng đất xây dựng khu golf và đất xây dựng khu du lịch hạng sang là 4%); từ 0,1% đến 0,4% đối với nhà ở (riêng villa 0,4%); 0,4% đối với nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ; 0,5% đối với tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư (nhà máy mới xây dựng ở vùng có mật độ dân số lớn thì áp dụng mức 250%); 0,25% đối với các tòa nhà mục đích khác.

Đài Loan đánh thuế từ 0,2% đến 5% tùy từng loại đất, diện tích; từ 1,2% đến 2% đối với nhà chung cư; 3% đến 5% đối với nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại. Nhật Bản đánh thuế 1,4% đến 2,1% đối với nhà, đất...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính tính đánh thuế đối với nhà ở trên 700 triệu đồng