Bộ Thương mại Mỹ sơ bộ xác định doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 18.7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống trợ cấp lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, vụ việc được khởi xướng ngày 6.9.2022. DOC đã tiến hành rà soát thuế chống trợ cấp theo đề nghị của một doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 10.11.2020 đến 31.12.2021.
Trên cơ sở xem xét thông tin từ các bên liên quan bao gồm Chính phủ và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nguyên đơn (ngành sản xuất nội địa của Mỹ) và Bộ Tài chính Mỹ, DOC sơ bộ xác định doanh nghiệp này không nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc.
Đối với một chương trình bị cáo buộc còn lại (định giá thấp tiền tệ), căn cứ thông tin của Bộ Tài chính Mỹ, DOC tính toán mức thuế trợ cấp sơ bộ đối với doanh nghiệp là 1,26% trong giai đoạn từ ngày 10.11.2020 đến 31.12.2020, và 0% trong giai đoạn từ ngày 1.1.2021 đến 31.12.2021, giảm đáng kể so với mức thuế hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp này là 6,46%.
Cục Phòng vệ thương mại thông tin thêm DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng đối với vụ việc rà soát muộn nhất là 120 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ.
Trước đó, sản phẩm lốp xe xuất khẩu của Việt Nam đã được Bộ Công Thương cảnh báo nguy cơ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7.2019 với mức độ cao. Do đó, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, làm việc với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó trong trường hợp bị điều tra.
Ngay sau khi nhận được thông tin về đơn kiện, Bộ Công Thương đã triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như họp, trao đổi, tư vấn phương hướng xử lý vụ việc với Hiệp hội Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tham vấn chính thức với phía Mỹ về các nội dung trong cáo buộc của nguyên đơn Mỹ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ ngành liên quan báo cáo vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị phương án xử lý với mục tiêu hỗ trợ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo số liệu của hải quan Mỹ, trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 525 triệu USD sản phẩm nói trên sang thị trường Mỹ.
Trong các chương trình bị cáo buộc trợ cấp, đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ khi pháp luật chống trợ cấp sửa đổi của Mỹ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 4.2020, nội dung "định giá thấp tiền tệ" được Bộ Thương mại Mỹ điều tra trong khuôn khổ vụ việc chống trợ cấp.
Đây là chương trình bị điều tra dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Mỹ cho rằng chính sách "định giá thấp tiền tệ" đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Để ứng phó hiệu quả với vụ việc, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam chủ động tham gia hợp tác đầy đủ và toàn diện với Bộ Thương mại Mỹ, cung cấp thông tin, bản trả lời đúng yêu cầu và thời hạn, hợp tác trong quá trình thẩm tra tại chỗ cũng như các vấn đề khác trong toàn bộ quá trình điều tra của Mỹ.
Dự kiến, vụ việc sẽ được tiến hành điều tra trong vòng 12 tháng (có thể gia hạn thêm 6 tháng). Trong quá trình điều tra, Bộ Thương mại Mỹ có thể ban hành kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Mỹ về các nội dung trợ cấp, bao gồm cả vấn đề "định giá thấp tiền tệ" để Bộ Thương mại Mỹ có đầy đủ căn cứ, dữ liệu trước khi ban hành kết luận điều tra vụ việc.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra vụ việc và có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.