Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số cơ chế đặc thù riêng biệt cho vùng Đông Nam Bộ.
Theo dòng thời sự

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề xuất một số cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ

Ánh Dương 10/08/2024 17:00

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số cơ chế đặc thù riêng biệt cho vùng Đông Nam Bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 98 được xem là nghị quyết đầy đủ, toàn diện với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau. Nghị quyết dựa trên 3 nguyên tắc chính là “khơi thông tối đa các nguồn lực”, “phân cấp phân quyền tối đa” và “cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn”. Đây được xem là đòn bẩy hiệu quả để TP.HCM tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 vẫn còn một số tồn tại yếu kém, trong đó các bộ ngành còn phối hợp, triển khai chậm nhiệm vụ. Một số nhiệm vụ tại Nghị quyết 98 lại được các bộ ngành nghiên cứu, áp dụng cho cả nước nên cần thêm thời gian, như nhiệm vụ xây dựng quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; nhiệm vụ nghiên cứu tổng thể đối với các tỉnh thành có mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo quốc gia để đề xuất phương án, giải pháp cụ thể...

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc làm việc

Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn TP.HCM triển khai các nhiệm vụ và Nghị quyết số 98 theo đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục. Đồng thời, cần giao UBND TP.HCM tiếp tục hoàn thiện chính sách nhà đầu tư chiến lược, triển khai cơ chế, định chế tài chính đầu tư (quỹ đầu tư tài chính địa phương), triển khai nội dung tín chỉ carbon, các dự án TOD, phấn đấu sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong năm nay.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TP.HCM tích cực phối hợp với Bộ KH-ĐT hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Trong đó, nghiên cứu các cơ chế chính sách vượt trội, tiếp cận được các mô hình đã thành công trên thế giới, báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 11.2024.

Về kinh tế vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá, trong 7 tháng năm 2024, vùng Đông Nam Bộ mặc dù có mức tăng trưởng khá, nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 391.000 tỉ đồng, chiếm 38,1% tổng thu ngân sách nhà nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 43%).

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỉ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%). Điều đáng mừng là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4.5.2024, Bộ KH-ĐT đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương trong vùng.

Đến nay, có 17/18 bộ ngành và 5/6 địa phương vùng Đông Nam Bộ có ý kiến tham gia dự thảo. Sau khi có đủ ý kiến các thành viên, Bộ KH-ĐT sẽ tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ KH-ĐT cũng đã xây dựng dự thảo báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng KT-XH vùng Đông Nam Bộ và đang gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. Trong đó, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng vùng Đông Nam Bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt.

Đó là chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương khẩn trương góp ý để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, hiện còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ ngành, địa phương hoàn thành theo tiến độ nhưng không nêu lý do hay đề xuất trình cấp có thẩm quyền lùi thời gian thực hiện. Các đề án, nhiệm vụ mới phê duyệt có nhiều nội dung phức tạp, cần thời gian nghiên cứu. Các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong hạ tầng giao thông, liên kết đầu tư phát triển... còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về công tác phát triển vùng nhằm đôn đốc các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

Đồng thời, ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương được giao chủ trì cần khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng, như Trung tâm thương mại tự do tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ, các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề xuất một số cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ