Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa, mù mờ về mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp của chúng ta mù mờ cả cung – cầu

Lam Thanh | 04/03/2022, 21:00

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa, mù mờ về mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc.

Tại tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?", Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan chia sẻ: “Tôi gọi nền nông nghiệp của chúng ta là nền nông nghiệp mù mờ cả đầu cung, mù mờ cả đầu cầu, đầu giữa, mù mờ về mùa vụ, sản lượng, truy xuất nguồn gốc”.

Không “một mình một chợ”

Theo ông Hoan, thời gian gần đây, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương làm 2 việc. Một, về đầu cung, Bộ đang có chương trình khuyến khích tăng cường mã định danh vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở chế biến. Trước đây, khi phát hiện thị trường thì mới xây dựng vùng trồng vùng nuôi, còn giờ chủ động làm trước ngay cả thị trường nội địa.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần dẫn dắt chủ động trước 1 - 2 tháng chứ không đợi hoa quả chất lên xe ở miền Tây, Tây Nguyên rồi mới loay hoay, thậm chí có những lúc chở hàng tới cửa khẩu chưa biết khi nào thông quan được, giống như cái chợ, lên đó mình cứ chở ra chợ, không bán được chợ sáng thì chợ chiều, cùng lắm là quay về.

le-minh-hoan-2.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan

Từ câu chuyện này, ông Hoan cho rằng phải mở rộng kết nối các đầu cung, các địa phương phía Bắc chủ động hơn nữa. Thời gian tới, cần thay đổi dần dần, từ thị trường tiểu ngạch sang thị trường chính ngạch, từ xuất khẩu bằng đường bộ sang xuất khẩu bằng đường sắt, đường thủy, đường hàng không.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay đã lên lịch chủ trì các công việc, để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

“Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc. Chúng ta cũng tách bạch ra các công việc: việc nào Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào hiệp hội ngành nghề làm. Chúng ta phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch". Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn”, ông Hoan nêu.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh cần phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ NN-PTNT đã ký trình Thủ tướng về chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư.

Bộ NN-PTNN cũng đã đã làm việc với Bộ Công Thương, đã trình Thủ tướng Chính phủ, sau Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn. Tại trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên.

“Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn”, ông Hoan chia sẻ.

Ông Hoan cũng nêu: “Mặc dù có trung tâm này rồi nhưng quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước. Kể cả đến một ngày nào đó, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước không còn dễ tính nữa. Vì vậy câu chuyện này phải thay đổi rất nhiều”, ông Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNN cho hay không phải chúng ta "một mình một chợ" mà phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cùng một mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.

“Bản thân Trung Quốc cũng trồng được những loại nông sản nhập của chúng ta. Sự tự bằng lòng và hài lòng của chúng ta quá lớn mà chưa thấy được rủi ro. Sắp tới Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cùng nhau ngồi lại phân tích câu chuyện thị trường khi chúng ta không phải "một mình một chợ" và độ khó khăn phức tạp càng cao hơn”, ông Hoan nói.

Chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch cần thời gian

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng Việt Nam có 15 FTA, nhưng vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp làm sao tiếp cận, làm sao hàng hoá đáp ứng yêu cầu của các nước. Để giải quyết vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật một loại hàng hoá là cả quá trình, đôi khi cần có thời gian, chưa chắc đạt ngay được.

Ngoài ra, vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó cần thời gian. Ví dụ, về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc, xưa nay bà con, doanh nghiệp vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như chợ huyện, cứ làm, thu hoạch rồi mang lên đó mới bán, rất bị động.

phan-van-chinh.jpg
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

Về ngoại thương với Trung Quốc, ông Chinh cho hay có 2 hình thức buôn bán: thứ nhất là chính ngạch theo thông lệ quốc tế và tiểu ngạch, thứ hai trao đổi cư dân, chợ biên giới.

Việt Nam có Nghị định 14/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, có những điểm ưu tiên, nhưng bộc lộ ra điểm yếu, đó là xuất khẩu không ổn định. Khi Trung Quốc gần đây áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì doanh nghiệp gặp khó ngay. Do đó chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn.

Thứ nhất là, phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường.

Ví dụ như một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải toả.

Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật làm thế nào cho triển khai thủ tục nhanh hơn.

Về kho bãi trung chuyển ở các địa phương giờ đã cải thiện so với 5 năm trước. Các tỉnh quan tâm, mở ra nhiều khu vực trung chuyển chứa hàng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, sự phát triển logistics cảng biển không tương xứng tăng trưởng, xuất khẩu tăng 15-17%, logistics chỉ tăng khoảng 4-5 %... Vận tải cũng cần đa dạng hoá, như hiện nay, vận tải hàng hoá đường sắt vẫn còn ít.

Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO, tham các hiệp định định RCEP, FTA ASEAN-Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc hiệp định.

“Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản”, ông Chinh nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp của chúng ta mù mờ cả cung – cầu