Tại cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sáng nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã gợi ý hàng loạt vấn đề lớn như tích tụ ruộng đất, xử lý vụ cấp khống 800 giấy phép, nông thôn mới, khắc phục hậu quả môi trường của Formosa… và yêu cầu Bộ NN-PTNT giải quyết rốt ráo.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Các DN muốn đầu tư lớn nhưng không có đất’

Trí Lâm | 21/11/2016, 13:26

Tại cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sáng nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã gợi ý hàng loạt vấn đề lớn như tích tụ ruộng đất, xử lý vụ cấp khống 800 giấy phép, nông thôn mới, khắc phục hậu quả môi trường của Formosa… và yêu cầu Bộ NN-PTNT giải quyết rốt ráo.

Tích tụ ruộng đất để mở đường sản xuất lớn

Ngày 21.11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tính từ đầu năm tới ngày 10.11, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 503 nhiệm vụ và Bộ đã hoàn thành 352 nhiệm vụ, đạt 70%, trong đó đúng hạn 288 nhiệm vụ, quá hạn 64 nhiệm vụ, còn 128 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó số nhiệm vụ quá hạn là 14.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian tới Bộ NN-PTNTcần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là nhiệm vụ lớn, đặc biệt hiện đang có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp hai vấn đề lớn là muốn làm lớn nhưng không có đất, gây khó khăn cho vấn đề tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa; thứ hai là tiếp cận tín dụng có nhiều vướng mắc, hiện lãi suất vay trung, dài hạn khoảng 9-11%, với doanh nghiệp nông nghiệp vẫn là khó. Nhiều nơi vẫn đánh giá rủi ro trong nông nghiệp rất lớn.

Cùng với đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNTcần quan tâm tới thị trường. Việc xuất khẩu nông sản hiện chỉ tập trung vào một số mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, cà phê, cao su… trong khi lại nhập khẩu ngô lên tới 3 tỉ USD. Điều này liên quan tới quy trình sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng hiện nay đang có dấu hiệu chững lại. Mặt khác, nhiều địa phương có xu thế chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, dẫn tới nhiều nơi nợ đọng xây dựng cơ bản. Cùng với đó, các tiêu chí nông thôn mới có phần chưa phù hợp ở thực tiễn nhiều nơi.

“Như một làng đã có ngôi đình mà vẫn bắt buộc phải xây nhà văn hóa. Hoặc đã có trường học với các phòng rộng 60 m2, nhưng chuẩn là 70 m2, thì bắt buộc phải 70 m2 mới đạt chuẩn. Bộ cần phối hợp, phải hết sức quan tâm sửa đổi các tiêu chí chưa phù hợp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Xử nghiêm vụ cấp khống 800 giấy phép thức ăn thủy sản

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN-PTNTcần làm rõ với những vụ việc như việc cấp khống 800 giấy phép kiểm nghiệm thức ăn thủy sản, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm, không được xử lý mang tính chất nội bộ.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề quan trọng mà Thủ tướng lưu ý Bộ NN-PTNT. Đây là vấn đề liên ngành, nhưng liên quan nhiều tới ngành nông nghiệp, xuất phát điểm là sản phẩm của ngành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc tới hàng loạt vụ việc được người dân rất quan tâm như 3.000 lít mỡ thối, vụ phù phép lợn chết thành lợn mán, các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện…

Về công tác bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển rừng nghèo kiệt sang phát triển các dự án khác; đồng thời làm rõ các vụ phá rừng ở Kon Tum, Quảng Nam…

Xử lý lượng hải sản tồn đọng

Một vấn đề nữa đượcThủ tướng nhắc nhở là về cơ chế hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản, đặc biệt tập trung hỗ trợ người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Trước đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu giải quyết rốt ráo hơn 5.369 tấn hải sản tồn kho trong dân sao cho hợp lý, không để lãng phí. Phó thủ tướng gợi ý Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tiêu hủy 966 tấn hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm và bồi thường 100% giá trị.

Đối với hơn 4.000 tấn hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng chưa tiêu thụ được thì giao các địa phương tổ chức tiêu thụ và được hỗ trợ 30% giá trị. Đối với gần 100 tấn hải sản an toàn nhưng đã quá hạn sử dụng thì chuyển sang chế biến thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ 70% giá trị. Các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện vấn đề này.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Các DN muốn đầu tư lớn nhưng không có đất’