“Nhà thầu nào yếu kém phải thực hiện ngay việc cắt chuyển khối lượng. Dự án mà tiếp tục chậm trễ, lãnh đạo Ban phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Về tình hình giải ngân các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, trong 8 tháng đầu năm các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang đáp ứng đúng tiến độ chủ đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, vẫn còn một số thành phần cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch giải ngân.
Điển hình là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang chậm kế hoạch tới khoảng 680 tỉ đồng do chưa thanh toán được phần vốn nhà nước tham gia vào dự án (VGF).
Riêng với 4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022, ngoài các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt như: Mai Sơn - QL45 đạt 60,84%, vượt kế hoạch 92 tỉ đồng; Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 57%, vượt kế hoạch 134 tỉ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây đạt 74,13%, vượt kế hoạch 186 tỉ đồng, dự án Cam Lộ - La Sơn vẫn chậm 228 tỉ đồng, mới chỉ đạt 58,69%.
Xác định từ nay đến cuối năm 2022, khối lượng giải ngân của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 tương đối lớn, khoảng 7.270 tỉ đồng, trong khi mùa mưa bão đang đến gần là thách thức lớn đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Để đảm bảo tiến độ các dự án, Vụ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư/ban QLDA phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, lũy kế sản lượng làm cơ sở giải ngân theo đúng kế hoạch.
Tại cuộc họp giao ban tháng 8.2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể không hài lòng với một số ban QLDA để xảy ra tình trạng chậm giải ngân tại các dự án trọng điểm.
“Ban QLDA 2 là một điển hình khi chậm hàng loạt dự án: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ; cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn.
Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cần kiểm điểm lại cách thức làm việc, quản lý tại sao dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh cảng hàng không Tân Sơn Nhất chưa thể đáp ứng kế hoạch giải ngân đã đăng ký”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trả lời Bộ trưởng về sự chậm trễ trong công tác giải ngân dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, nguyên nhân vẫn đến từ sự chậm trễ trong công tác gia tải.
“Ban QLDA đã nghiêm khắc phê bình các nhà thầu liên quan. Hiện, công tác gia tải giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Ban đang yêu cầu các đơn vị tăng tốc thi công, phấn đấu đến ngày 30.9 phải xong công trình cầu dọc tuyến để tăng khối lượng giải ngân.
Đối với dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, hiện gói thầu thi công cầu Nhơn Trạch đã ký hợp đồng với nhà thầu. Gói thầu số 2 thi công đường dự kiến sẽ ký hợp đồng với nhà thầu trong tháng 9. Việc giải ngân vốn cho dự án sẽ có cơ sở chuyển biến trong thời gian tới”, ông Thi nói.
Để đảm bảo hoàn thành trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đề xuất Bộ trưởng cho phép Ban QLDA được cân đối, điều chuyển vốn bố trí cho dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ cho dự án cầu Rạch Miễu 2.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thừa nhận, khối lượng giải ngân trong tháng 8 tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn chậm giải ngân hơn 200 tỉ xuất phát một phần từ nguyên nhân chủ quan trong quá trình triển khai hiện trường và sự chủ quan từ chính cán bộ ban QLDA phụ trách dự án.
“Hiệu quả giải ngân bị ảnh hưởng một phần khác là do trong tháng 7 và tháng 8 thời gian qua, các nhà thầu huy động cả lực lượng làm công tác nội nghiệp ứng trực tại hiện trường, công tác dự toán bổ sung điều chỉnh bị chậm”, ông Quý nói.
Nhận định dự án Cam Lộ - La Sơn không thể tiếp tục lỡ hẹn về đích, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải đánh giá lại hiệu quả công tác thi công.
“Nhà thầu nào yếu kém phải thực hiện ngay việc chắt chuyển khối lượng. Dự án mà tiếp tục chậm trễ, lãnh đạo Ban phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ GTVT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chỉ đạo chung công tác giải ngân, Tư lệnh ngành GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA phải quyết liệt hơn nữa. “Dự án vướng ở đâu phải lăn xả vào tìm cách tháo gỡ ở đó, tuyệt đối không đổ thừa cho hoàn cảnh”, Bộ trưởng nói.