Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải huy động tối đa trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học; lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
Dự kiến, dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9.2022 tới; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 (tháng 10.2022), trình Quốc hội cho ý kiến lần hai vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023) và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc sửa đổi luật đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.
Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện tiến bộ, công bằng và các định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến lợi ích của người dân trong từng chính sách. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, quy hoạch để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội; tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Do đó, quá trình chuẩn bị và xây dựng dự án luật không chỉ của những cơ quan trực tiếp tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật mà phải có sự tham gia của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời phải huy động tối đa trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Không câu nệ hình thức, thực sự coi trọng nội dung, chú trọng chất lượng thực chất”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu trong việc lấy ý kiến với dự án luật.
Sự khẳng định nguyên tắc cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ đất đai trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai được nhiều chuyên gia đồng tình.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng đây chính là mục tiêu và định hướng đúng đắn được chỉ ra từ Nghị quyết Trung ương 18 về đất đai. Để hiện thực hoá điều này, ông Lập cho rằng điều kiện tiên quyết là sự bắt đầu từ phía chính quyền.
Ông Lập đề xuất không nên can thiệp hành chính vào mục tiêu sử dụng của từng mảnh đất mà chỉ điều tiết nó thông qua quy hoạch; không ấn định thời hạn sử dụng đất mà chỉ đề ra các tình huống và điều kiện thu hồi đất, ngoại trừ giới hạn thời hạn sử dụng đất đối với người nước ngoài; đồng thời chỉ ấn định giá đất theo nguyên tắc sát với giá thị trường trong các giao dịch có liên quan đến Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đất.
Về quy hoạch, bởi tính biến động, linh hoạt khá lớn của môi trường khách quan tác động đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ông Lập cho rằng quy hoạch sử dụng đất chỉ nên tập trung vào một nội dung duy nhất là quy hoạch không gian với hai khu vực đất được xây dựng và không được xây dựng công trình.
Lý do là một khi có công trình xây dựng thì đất được chuyển hoá thành tài sản khác gọi là bất động sản, sẽ được quản lý, vận hành theo nguyên lý hoàn toàn khác theo hướng giảm thiểu và không cần thiếp có sự can thiệp từ phía Nhà nước.
Cũng theo chuyên gia này, mọi quá trình tương tác của chính quyền với các nhà đầu tư để thực hiện dự án có thu hồi đất cần được triệt để tiến hành theo các nguyên tắc minh bạch, công khai và dân chủ và chịu trách nhiệm giải trình trước các cộng đồng người dân bị tác động.
“Đây là thành tố nhạy cảm nhất, dễ làm phát sinh khiếu nại và tranh chấp, do đó quá trình hài hoà các lợi ích không nhất thiết và không thể tuyệt đối được triển khai bằng cơ chế đồng thuận hay thoả thuận. Tuy nhiên, nếu sự minh bạch, công khai và dân chủ được bảo đảm thì chắc chắn sẽ làm giảm thiểu sự xung đột về lợi ích đến mức ít nhất có thể tránh được các vụ việc khiếu kiện lớn và đại trà”, ông Lập nói.
Cũng chia sẻ nhận định về câu chuyện thu hồi đất, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng cần xây dựng cơ chế để xác định giá đất theo thời giá thị trường.
Theo đó, trước hết cần làm rõ khái niệm giá thị trường theo hướng xác định được giá bồi thường cho người dân mà họ có thể chuyển nhượng trên thị trường tự do hoặc xác định giá đất cụ thể trong trường hợp sử dụng để tính tiền bồi thường cho người sử dụng đất theo hướng “dựa trên mức giá trung bình của hai loại giá đất trước và sau khi thu hồi đất”.
Ngoài ra, cần xem xét, bổ sung thêm một số khoản hỗ trợ phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của nông dân thì ngoài việc họ được bồi thường giá đất nông nghiệp tại thời điểm thu hồi cần quy định tỷ lệ hỗ trợ nhằm thưởng khuyến khích đối với những người bị thu hồi đất chấp hành nghiêm chỉnh, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư. Khoản hỗ trợ này trích từ khoản chênh lệch giữa giá đất bồi thường với giá đất sau khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng.