Tại cuộc tọa đàm "Tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam" ngày 16.9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường nhận định, sự manh mún, biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế… là 3 trong hàng loạt thách thức lớn mà hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Đất đai là nút thắt lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp'

Trí Lâm | 17/09/2016, 05:49

Tại cuộc tọa đàm "Tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam" ngày 16.9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường nhận định, sự manh mún, biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế… là 3 trong hàng loạt thách thức lớn mà hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.

Đối mặt 3 thách thức lớn

Nói tại cuộc tọa đàm, Bô trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp hiện chiếm vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, 70% số dân vẫn sống ở khu vực nông nghiệp và hiện có 46% lao động trong khu vực này. Nhiều năm qua, nông nghiệp là điểm đệm trong nền kinh tế và xuất khẩu 30 tỉ USD năm 2015.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nửa đầu năm, lần đầu tiên trong nhiều năm nông nghiệp có GDP tăng trưởng âm 0,18%, gây ra tác hại lớn và hiện phải đối mặt với đồng thời 3 thách thức lớn lao.

Thứ nhất, nền nông nghiệp vẫn dựa trên nền sản xuất nhỏ lẽ, quy mô phân tán là chính… Điều này đã làm cho năng suất lao động thấp so với khu vực và thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và còn rất khó cạnh tranh về kinh tế khi hội nhập. Đây là nút thắt lớn nhất của ngành nông nghiệp.

Thứ hai, nông nghiệp còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đây là thách thức toàn cầu. Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong 6 tháng đầu năm, biến đổi khí hậu đã làm cho sản xuất truyền thống bị đảo lộn, nước biển dâng, thậm chí đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ theo kịch bản đã công bố sẽ ngập tới 1m sau 100 năm nữa. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất tại tất cả các vùng trọng điểm của Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, điều này đồng nghĩa là hàng nông sản Việt Nam có cơ hội đi thị trường quốc tế nhiều hơn nhưng cũng phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt với các hàng hóa thế giới vốn có sức cạnh tranh nhiều hơn của chúng ta về tài nguyên, khoa học, công nghệ, sức sản xuất, quản trị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Ảnh VGP

Bên cạnh đó, thừa nhận các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quá ít ỏi, Bộ trưởng cho hay, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để tập trung vào các gói tái cơ cấu ngành hàng, cấp tỉnh, địa phương… để tái cơ cấu.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam không còn con đường nào khác phải tái cơ cấu ngành, theo hướng sản xuất hàng hóa chuỗi giá trị bền vững có giá trị gia tăng cao, cải thiện đời sống cho nhân dân”.

Theo đó, những tháng cuối năm có hai nhiệm vụ song song, một là tiếp tục tái cơ cấu, trước mắt phải tập trung vào mặt hàng có dư địa để bù đắp. Hai là chăn nuôi, trong chăn nuôi cả ba nhóm gia cầm, đại gia súc và lợn đều rất thuận lợi.

Nút thắt đất đai

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, có khoảng 3.643 DN đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, trên 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Nguyên nhân khách quan khiến nhiều DN ngại đầu tư vào nông nghiệp là rủi ro lớn từ thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp, bấp bênh…

Hơn nữa, nhiều DN ngại đầu tư vào nông nghiệp do khó tiếp cận đất đai và nguồn vốn. Nút thắt đất đai đang kìm hãm DN đầu tư. Tất cả DN đầu tư muốn sản xuất phải có đất. Đất nông nghiệp, năm 1993 đã thực hiện giao đất cho nông dân ổn định lâu dài, khi nhu cầu cần tập trung thì quá trình đối mặt trước mắt khó khăn.

Bộ trưởng cho biết, để giải quyết cho DN, nhiều tỉnh đã sáng tạo cách làm. Ví dụ tại tỉnh Hà Nam, trên cơ sở giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, những nơi nông dân cảm thấy làm hiệu quả không bằng dồn vào một tổ chức làm tốt hơn thì trên cơ sở dân tự nguyện, tỉnh đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân, chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định.

Ví dụ tiếp theo là tại tỉnh Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền. Hiện nay, quy định hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50 ha. Tuy nhiên, DN tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.

Tiếp theo là hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với DN để DN làm mũi nào tốt nhất, còn HTX làm phân khúc hợp lý và giá thành thấp. Con đường này đúng luật.

“Sau khi giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có những thể chế, cơ chế để nông dân thực hiện quyền. Tuy nhiên, chế tài làm cái này phải rõ hơn nhằm tạo điều kiện cho DN có đất tổ chức sản xuất” – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, trong sơ kết 3 năm thực hiện, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, ngành nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều yếu kém cần khắc phục như sức cạnh tranh chưa cao, chuỗi giá trị ngắn. Ví dụ, trong lĩnh vực trồng trọt có 13 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,3 ha đất.

Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cũng cho hay, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường rất bấp bênh, không bền vững, thậm chí có thị trường đang đe dọa giảm kim ngạch nhập khẩu, như mặt hàng lúa gạo, thủy sản…

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Đất đai là nút thắt lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp'