Trả lời các ĐBQH tại buổi thảo luận tổ chiều nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp giải trình về việc đổi tên học phí thành “giá dịch vụ đào tạo” và cho biết có cả giá dịch vụ thi theo quy định của Luật giá.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Gọi ‘giá dịch vụ đào tạo’ là để tính đúng và đủ các chi phí

Nam Phong | 30/05/2018, 18:32

Trả lời các ĐBQH tại buổi thảo luận tổ chiều nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp giải trình về việc đổi tên học phí thành “giá dịch vụ đào tạo” và cho biết có cả giá dịch vụ thi theo quy định của Luật giá.

>>Sinh viên sư phạm sẽ không còn miễn học phí, nhưng được cấp tín dụng

>>Tại sao phải sửa đổi Luật Giáo dục đại học?

>>Đại học có thể còn 3 năm, đổi học phí thành giá dịch vụ đào tạo

Chiều nay (30.5), Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Phát biểu góp ý tại tổ Hà Nội, ĐB Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Dự thảo Luậtcó sự thay đổi lớn về cơ chế tài chính trong giáo dục theo hướng đầu tư đi kèm theo chất lượng sao cho hiệu quả.

Trước đây, trường chưa tự chủ được đầu tư theo biên chế, quy mô sinh viên... nhưng dự thảo luật đã đổi mới theo hướng "đặt hàng" kèm chất lượng, dịch vụ. Điều này đã giúp triệt tiêutư tưởng nhà nước chỉ đầu tư cho công lập mà không vào trường dân lập, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình trường.

"Một điểm mới cần trao đổi kỹ là quy định về giá dịch vụ đào tạo. Việc phải quy định giá trong dự thảo luật là đúng vì hiện nay các trường đang thu học phí theo Luật Phí và học phí. Phí đó do Nhà nước ấn định”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.

ĐB Cường nói thêm, theo tinh thần của dự thảo Luật, đã tính đúng tính đủ chi phí hợp lý, bảo đảm chi phí tương xứng với chương trình đào tạo chất lượng cao. Nếu cứ thu theo khung phí và lệ phí sẽ gây khó khăn cho các trường khi đưa ra sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao. Người học có mong muốn học các ngành chất lượng cao và sẵn sàng bỏ chi phí để có điều kiện học tập tốt nhất. Tính đúng, tính đủ chi phí là điều hết sức hợp lý, góp phần tạo sự bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ảnh VPQH

Vẫn theo đại biểu Cường, dự thảo Luật cần quy định để các cơ sở giáo dục không thể tính giá bao nhiêu cũng được mà phải quy định những gì được tính giá, những gì không. Toàn bộ những khoản thu vào và chi ra phải công khai để bản thân người học cảm thấy số tiền đã đóng là xứng đáng. "Để tránh tình trạng nhầm lẫn như các trạm thu giá BOT, tên gọi vẫn giữ nguyên là học phí nhưng việc thu học phí phải dựa trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo”, vị Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Còn ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng vấn đề học phí quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cần được tính toán lại.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung dẫn kinh nghiệm tự chủ Trường cao đẳng Y Thái Bình thẳng thắn góp ý: "Học phí vẫn là cụm từ quen thuộc, nhưng bây giờ tôi hiểu giá dịch vụ đào tạo là theo quy định Nghị định 16. Nói thật là trong quá trình quản lý trường tôi xây dựng tự chủ cũng thực hiện theo giá dịch vụ đào tạo nhưng chúng tôi vẫn đóng mở ngoặc là học phí để phụ huynh dễ hiểu. Vì thế nên giữ cụm từ học phí".

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng vừa rồi dư luận rối lên về phí và giá."Tôi cho rằng vẫn nên gọi là học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo làm gì", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Tham gia phiên họp tổ chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lý giải: "Liên quan đến học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo là do mọi người hiểu chưa rõ. Trong Điều 105 Luật Giáo dục ghi rõ là học phí và vẫn dùng học phí, không bỏ học phí. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ. Tên gọi đó vẫn còn. Tôi khẳng định vẫn gọi là học phí".

Tuy nhiên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH thì căn cứ theo Luật Giá, học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do Nhà nước đặt hàng. Những chi phí này áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: "Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá đã được áp vào chứ không phải tính tuỳ tiện. Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ này cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành".

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, việc không gọi là học phí mà là giá dịch vụ đào tạo để trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo hay khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng, tính đủ. Như vậy, giá dịch vụ đào tạo phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ GDĐH.

Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH thêm một điều là giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với việc tính đúng, tính đủ theo Luật Giá, chứ trong Luật Giáo dục vẫn gọi là học phí. Tinh thần là các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng, tính đủ theo giá dịch vụ chứ giá dịch vụ không phải là "thương mại hoá". Các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí.

Trong thực tế, chi phí cho việc đào tạo một học sinh, sinh viên tính vào học phí mà người học phải trả ở trường công lập chưa đủ. Học phí chỉ là một phần, phần còn lại tương đối lớn, Nhà nước vẫn phải chi.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Gọi ‘giá dịch vụ đào tạo’ là để tính đúng và đủ các chi phí