Đào tạo bác sĩ gia đình chủ yếu là dự phòng, các kết quả cận lâm sàng không được bệnh viện thừa nhận, nhiều dịch vụ kỹ thuật chưa được bảo hiểm y tế thanh toán… Đó là những bất cập của mô hình bác sĩ gia đình tại TP.HCM đang khiến người bệnh quay lưng đẩy phòng khám bác sĩ gia đình vào cảnh trống vắng.

Bộ trưởng Tiến tìm cách giải bài toán 'bệnh nhân xa dần bác sĩ gia đình'

Hồ Quang | 28/03/2017, 06:11

Đào tạo bác sĩ gia đình chủ yếu là dự phòng, các kết quả cận lâm sàng không được bệnh viện thừa nhận, nhiều dịch vụ kỹ thuật chưa được bảo hiểm y tế thanh toán… Đó là những bất cập của mô hình bác sĩ gia đình tại TP.HCM đang khiến người bệnh quay lưng đẩy phòng khám bác sĩ gia đình vào cảnh trống vắng.

Bệnh nhân đang xa dần bác sĩ gia đình

TP.HCM là địa phương được Bộ Y tế chọn thí điểm thực hiện mô hình bác sĩ gia đình đầu tiên của cả nước vào năm 2013. Như vậy tính đến nay mô hình bác sĩ gia đình đã được áp dụng ở TP 4 năm và cũng đã được UBND TP phê duyệt đề án bác sĩ gia đình đến năm 2020. Tuy nhiên đến nay hoạt động các phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn TP còn quá nhiều bất cập, chưa phát huy được tính ưu việc của mô hình này.

Theo Sở Y tế TP.HCM hiện năng lực của các phòng khám bác sĩ gia đình còn thiếu và yếu, phần lớn các phòng khám chỉ có 1 bác sĩ nhưng năng lực còn rất hạn chế dù đã được đào tạo.

Các phòng khám bác sĩ gia đình hiện nay, nhất là các phòng khám bác sĩ gia đình đặt ở trạm y tế chưa có sự phối hợp với các bệnh viện quận – huyện nên trong quá trình chuyển viện bệnh nhân không được theo dõi sức khỏe liên tục.

Sở Y tế TP cho rằng đến nay người dân vẫn chưa hiểu biết về bác sĩ gia đình, phụ cấp cho bác sĩ gia đình còn thấp, nhiều bác sĩ không muốn gắn bó với nghề.

Trong khi đó, nhiều phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn TP được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh nhưng lại không được bảo hiểm y tế chi trả, vì cho rằng những danh mục kỹ thuật này không được thực hiện ở trạm y tế.

Điển hình tại phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm Y tế phường Cô Giang (quận 1), nơi đây được trang bị cả máy siêu âm, xét nghiệm…nhưng người bệnh làm các xét nghiệm cận lâm sàng này không được bảo hiểm y tế chi trả.

“Đã bảo hiểm y tế không chi trả, kết quả xét nghiệm, siêu âm lại không được bệnh viện quận – huyện công nhận nên người bệnh không thèm đến phòng khám bác sĩ gia đình mà lên thẳng bệnh viện quận – huyện để khám và điều trị. Đặc biệt từ khi áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế gần như bệnh nhân khám bệnh, nhất là muốn làm xét nghiệm đều lên bệnh viện quận. Cứ như thế làm sao phòng khám bác sĩ gia đình tồn tại được”, vị đại diện Trung tâm Y tế dự phòng quận 1 than thở.

Thu nhập thấp, người bệnh không đến khám khiến bác sĩ tại các phòng khám bác sĩ gia đình chán nản, người cũ thì muốn bỏ đi, người mới thì chẳng ai đến. Điều này đang khiến các phòng khám bác sĩ gia đình vốn đã trống vắng bệnh nhân nay lại càng trống vắng hơn.

Bên cạnh đó, theo các phòng khám bác sĩ gia đình ở TP.HCM, hiện nay chương trình đào tạo bác sĩ gia đình ở TP chủ yếu tập trung đào tạo dự phòng là chính, vấn đề tư vấn sức khỏe chuyên sâu, một trong những yêu cầu quan trọng của bác sĩ gia đình thì còn bỏ ngỏ.

Nâng cao hoạt động của trạm y tế

Trước tình hình trên, chiều 27.3 Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM để bàn về công tác phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại đây. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết để tạo điều kiện cho các phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động, trong vài ngày nữa Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư 16 sửa đổi về thí điểm bác sĩ gia đình, trong đó có quy định rõ những danh mục kỹ thuật, tài chính, thuốc cơ bản dùng cho các trạm y tế xã -phường.

Bà Tiến nêu quan điểm của Bộ Y tế là hướng trạm y tế không chỉ thực hiện chức năng phòng dịch, phòng bệnh lây nhiễm mà còn phải phòng cả những bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện và điều trị những bệnh nhẹ.

“Thông tư 16 sửa đổi lần này, Bộ Y tế sẽ tăng cường nhiệm vụ của trạm y tế theo hướng đó; đồng thời hướng tới đổi mới cơ chế tài chính, để tiến tới toàn bộ được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được bảo hiểm y tế chi trả những kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản trong việc chẩn đoán, điều trị những bệnh nhẹ, bệnh thông thường”, bà Tiến nhấn mạnh.

Bà Tiến cho hay trong Thông tư 16 sửa đổi sắp ban hành, mô hình bác sĩ gia đình sẽ gắn hoạt động bác sĩ đến tận nhà người bệnh để chăm sóc sức khỏe.

Bà Tiến cho biết trạm y tế xã – phường theo mô hình y học gia đình là sự tích hợp, không phải xây dựng riêng phòng khám bác sĩ gia đình ở đây. Hồ sơ bệnh án của bác sĩ gia đình sẽ thiên về quản lý sức khỏe toàn diện, không phải riêng khám chữa bệnh. Trong tương lai, những gói về chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ được đưa vào bảo hiểm y tế chi trả.

“Chúng ta cần phải có sự phối hợp bệnh viện và trạm y tế bác sĩ gia đình, không thể bệnh viện tập trung khám chữa bệnh để mặc trạm y tế tự bơi”, bà Tiến đề nghị.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Tiến tìm cách giải bài toán 'bệnh nhân xa dần bác sĩ gia đình'