Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh đất trồng lúa chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau. Nếu bây giờ khai thác hết thì sẽ không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu có nhu cầu phát triển.

Bộ trưởng TN-MT: Đất trồng lúa là không gian dự trữ cho con cháu

Lam Thanh | 31/10/2021, 08:20

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh đất trồng lúa chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau. Nếu bây giờ khai thác hết thì sẽ không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu có nhu cầu phát triển.

Không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch

Tại phiên thảo luận về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động kinh tế - xã hội, cân nhắc giảm tối đa tỷ lệ chuyển đổi đất trồng lúa sang đất khu công nghiệp.

Đại biểu nhấn mạnh việc tính toán phân hai tỷ lệ quy hoạch khu công nghiệp hợp lý cho từng địa phương để đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, giữa phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Lý do là diện tích đất trồng lúa một khi đã quy hoạch phát triển thành khu công nghiệp thì không thể phục hồi hiện trạng được.

thh-2.jpeg
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp

Ngoài ra đại biểu Trang cũng cho rằng cần thống nhất với chỉ tiêu quy hoạch đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao đến năm 2030. Song đề nghị việc triển khai lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở thể dục, thể thao phải thống nhất với quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Theo đó, cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

"Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho lĩnh vực này không để xảy ra tình trạng tùy tiện điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và đặc biệt không để xảy ra tình trạng sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp làm sân golf như thời gian vừa qua, làm mất diện tích đất canh tác và tác động xấu đến môi trường sinh thái", đại biểu Trang nêu ý kiến.

Thay đổi cách thức tiếp cận quy hoạch

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay quy hoạch đất đai sẽ đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian. Trong đó, xác định 3 ranh giới gồm ranh giới bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; ranh giới bảo tồn, bảo vệ nhưng mà có phát triển hạn chế và ranh giới phát triển toàn diện. Với ba ranh giới này có bốn khu vực để định hướng như đất lúa, đất rừng phòng hộ, sông, suối, hồ, ao, di sản, danh lam thắng cảnh... là những nơi cần phải bảo vệ. Đây là những quy hoạch tĩnh cần phải được giữ gìn cho con cháu, các thế hệ sau.

“Đặc biệt là đất lúa, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà đất lúa còn là đảm bảo giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, phải hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi thì không lấy lại được. Trong quy hoạch lần này vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu hecta”, Bộ trưởng Hà nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh đất trồng lúa chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau. Nếu bây giờ khai thác hết thì không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu có nhu cầu phát triển.

Bộ trưởng Hà nêu, nếu quy hoạch sử dụng đất chỉ đúng một mình, không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa, không thể quản lý đất đai hiệu quả được. Do đó, nếu không thay đổi và tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc, không dựa trên xác định cơ chế thị trường thì sẽ làm cản trở việc sử dụng nguồn lực đất đai.

Vì sao nhiều khu công nghiệp không đạt tỷ lệ lấp đầy?

Liên quan đến chỉ tiêu đất khu công nghiệp, trước băn khoăn của đại biểu quốc hội về việc hiện nay nhiều khu công nghiệp không đạt tỷ lệ lấp đầy, giai đoạn tới lại tiếp tục gia tăng đất khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết tồn tại hạn chế có thể giải thích được.

thh.jpeg
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà

Bộ trưởng nêu rõ đất khu công nghiệp vào thời điểm quy hoạch tiên lượng sẽ có sự phát triển rất cao. Dự báo làn sóng đầu tư sẽ có chuyển dịch. Nhưng trên thực tế điều này chưa xảy ra. Hơn nữa vào cuối nhiệm kỳ rơi vào khủng hoảng do COVID-19. Đây là một nguyên nhân cần khẳng định rõ.

Bộ trưởng cho biết thêm, nếu nhìn vào đầu tư của đầu tư công trong thời gian vừa qua mặc dù rất lớn nhưng để thu hút phát triển các khu công nghiệp đòi hỏi về mặt hạ tầng giao thông kết nối. Bên cạnh các khu vực như vùng trung du miền núi đã có đường giao thông thì còn nhiều vùng không có nguồn lực đầu tư công để đáp ứng đồng bộ kết cấu hạ tầng.

Mặt khác, trong khu công nghiệp chỉ thu hút FDI, còn ngoài khu công nghiệp và doanh nghiệp của Việt Nam dựa trên sự thỏa thuận, đầu tư sản xuất, kinh doanh ở ngoài khu công nghiệp.

“Điều này cho thấy cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp chưa thực sự thuận lợi, chưa tạo môi trường pháp lý tốt để có thể tiếp cận một cách bình đẳng nguồn lực đất đai”, ông Hà nêu rõ.

Đồng tình với các ý kiến của đại biểu quốc hội liên quan đến những tồn tại hạn chế và đề xuất giải pháp trong thực hiện chỉ tiêu đất bãi thải, Bộ trưởng lý giải nguyên nhân một là đầu tư công vào đây rất ít, xã hội hóa cũng rất ít; chưa có tính toán chính xác đối với bãi thải. Do đó, đòi hỏi trong thời gian sắp tới sẽ thay đổi công nghệ để không cần bố trí quá nhiều đất dành cho bãi thải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói quy hoạch này sau khi xây dựng xong, Chính phủ sẽ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm cho các địa phương, cho các ngành và lĩnh vực ngay trong năm nay để các địa phương, các ngành có thể thực hiện được yêu cầu phát triển kinh tế.

Song Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng cho rằng chỉ quy hoạch sử dụng đất đai là không đủ mà phải đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, quy hoạch giao thông, quy hoạch các ngành khác sử dụng đất… khi đó mới có thể quản lý và kiểm soát được.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết quy hoạch sử dụng đất đai hiện nay còn chậm, có độ trễ và lệch pha với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ông kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian nhưng không quá một năm, để tiếp cận và cập nhật các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sau khi điều chỉnh. Trên cơ sở đó sẽ không có tình trạng chậm như hiện nay nữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng TN-MT: Đất trồng lúa là không gian dự trữ cho con cháu