Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời phỏng vấn trước khi chính thức tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói gì trước khi ký kết Hiệp định TPP?

Một Thế Giới | 04/02/2016, 05:18

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời phỏng vấn trước khi chính thức tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Vào lúc 11h30 trưa 4.2 (giờ New Zealand), tức khoảng 6h sáng 4.2 (theo giờ Hà Nội), tại Auckland, New Zealand, 12 nước thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ cùng ký vào bản Hiệp định chính thức, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài 5 năm qua.
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng dẫn đầu Đoàn đàm phán Chính phủ của Việt Nam tham gia lễ ký kết.
Vài giờ trước khi lễ ký kết diễn ra, từ New Zealand, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trả lời phỏng vấn về ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.
Vào ngày mai, Việt Nam sẽ cùng 11 nước thành viên khác sẽ tham gia vào lễ ký chính thức Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc quá trình đàm phán kéo dài 5 năm. Đây là sự kiện rất vui và được trông đợi trong những ngày đầu năm mới này. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của sự kiện này đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?
Các bộ trưởng TPP đã tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 5.10.2015 tại thành phố Atlanta, Hoa kỳ, các nước thống nhất nhanh chóng rà soát nội dung của Hiệp định để có thể ký Hiệp định này sớm nhất.
Cho tới nay, sau 4 tháng kể từ ngày kết thúc đàm phán, các nước đã hoàn tất việc rà soát và như vậy, giữ được mục tiêu ban đầu là ký Hiệp định vào đầu tháng 2/2016. Việc giữ được mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Hiệp định được thông qua và đi vào thực thi đúng thời gian mà các bên mong muốn.
Đối với Việt Nam, chúng tôi cho rằng, việc ký kết Hiệp định TPP, có thể coi là cột mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bởi đây là lần đầu tiên chúng ta đàm phán và ký một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như TPP. Điều này cho thấy trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta có bước trưởng thành lớn kể từ khi tham gia ASEAN năm 1995.
Cùng với các hiệp định thương mại tự do như với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu mà chúng ta cũng vừa kết thúc đàm phán trong năm 2015, TPP sẽ đem lại cơ hội lớn cho kinh tế đất nước, góp phần thức hiện thắng lợi đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước chúng ta trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm.
Sau khi đạt được thỏa thuận chung vào ngày 5.10.2015, các nước tham gia TPP đã có một khoảng thời gian để rà soát lại toàn bộ Hiệp định. Vậy đến thời điểm này, đối với Việt Nam thì có điểm gì thay đổi so với những nội dung đã thỏa thuận trước đó hay không, thưa Bộ trưởng?
Sau khi kết thúc thúc đàm phán, các nước sẽ phải tiến hành quá trình rà soát pháp lý nội dung của Hiệp định để chuẩn bị cho việc ký chính thức và sau này là chuẩn bị cho việc phê chuẩn. cho đến nay, quá trình này đã kết thúc.
Kết quả là các nước không thay đổi nội dung đàm phán đã được thống nhất chỉ có một số điều chỉnh kỹ thuật mà một số nước thấy cần thiết phải tiến hành nhưng những điều chỉnh này không ảnh hưởng đến bản chất tức là không ảnh hưởng đến nội dung đàm phán đã được trao đổi, thống nhất và được các bên cam kết với nhau.
Nghĩa là về phía Việt Nam cũng không có thay đổi gì đúng không, thưa Bộ trưởng?
Đúng, về mặt nội dung thì không thay đổi gì.
Châu Anh/VOV

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói gì trước khi ký kết Hiệp định TPP?