Tại bản góp ý cho dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định “đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng”.

Bộ Tư pháp: Hạn chế dịch vụ đi chung xe là không hợp hiến, hợp pháp

Trí Lâm | 08/03/2018, 20:02

Tại bản góp ý cho dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định “đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng”.

Lý do Bộ Tư pháp đưa ra là quy định này không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí.

Bộ Tư pháp cho rằng Luật Giao thông đường bộ không có bất kỳ quy định nào hạn chế và cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Vì vậy, mọi quy định hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng về số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi chưa được luật cho phép chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý có thể bị coi là không hợp hiến, hợp pháp.

“Việc hạn chế dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, không phù hợp với nhu cầu sử dụng xe hợp đồng phục vụ cho việc đi làm, đi học (đưa đón một cách thường xuyên)”, Bộ nêu.

Vào tháng 6.2017, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Namkhông thực hiện dịch vụ đi chung xe với xe hợp đồng (gồm dịch vụ GrabShare của Grab và dịch vụ Uberpool của Uber) vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Đây là cơ chế kết hợp 2 hành khách có 2 điểm đến khác nhau nhưng cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe. Hình thức đi này có thể giúp tiết kiệm từ 30-40% chi phí cho mỗi hành khách.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục đề nghị xem xét, bỏ quy định tại khoản 1 điều 7, khoản 3 điều 7 và khoản 4 điều 8 dự thảo Nghị định về việc đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo đến Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thông tin về hành trình, thời gian thực hiện.

“Việc yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo sẽ thêm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp mà cũng không bảo đảm đạt được mục đích quản lý xe hợp đồng”, Bộ Tư pháp cho hay.

Bộ này cũng đề nghị Bộ GTVT rà soát, đánh giá tổng thể các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể cả quy định hiện hành trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nếu không còn phù hợp thì cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật trước khi xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Điều 66 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định 5 loại hình kinh doanh vận tải là còn cứng nhắc, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, nên sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Điều 4 dự thảo Nghị định quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định) được đăng ký khai thác trên tuyến vận tải hành khách cố định theo quy định” và dự thảo Nghị định quy định thủ tục lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định.

Bộ Tư pháp đề nghị bỏ các quy định này nhằm bảo đảm quyền của các doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng đủ điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô sẽ được khai thác trên tuyến trong quy hoạch sau khi đăng ký với cơ quan quản lý tuyến.

Bộ cũng đề nghị xem lại điểm d khoản 1 điều 7 dự thảo với nội dung “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố)”.Lý do là quy định này là không rõ mục tiêu quản lý, hạn chế đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ vận chuyển, đưa đoàn cán bộ, công nhân viên theo hợp đồng cho các cơ quan, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cho rằngviệc quy định như dự thảo nghị định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Hiệp hội Taxi TP.HCMđề nghị cùng một hình thức hoạt động vận tải như nhau thì cùng một điều kiện kinh doanh. Theo đó, Grab và Uber là hai doanh nghiệp vận tải hành khách taxi. Đơn vị cung cấp phần mềm chỉ cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mãi, không điều hành trực tiếp vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải.

Tổ chức này cũng đề nghị cần có xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị vận tải hành khách ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp phần mềm trong việc: Hợp đồng điện tử là ký kết giữa người vận tải và hành khách, đơn vị vận tải phải xác định giá cả, chế độ khuyến mãi, nguồn vốn khuyến mãi, trách nhiệm vận chuyển và xử lý tranh chấp với khách hàng cũng như các quyền lợi về bảo hiểm đối với lái xe.

“Cần có điều ngăn cấm việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài dùng vào việc khuyến mãi, quảng cáo để thao túng, chiếm thị trường vận tải hành khách bằng taxi rồi báo lỗ. Cần quy định máy chủ phải đặt ở Việt Nam, hợp đồng phải ký và xử lý tranh chấp tại Việt Nam”, hiệp hội đề nghị.Bên cạnh đó, theo hiệp hội, cần chấm dứt ngay khi hết thời hạn thí điểm và tổ chức chấn chỉnh xử lý sai sót giải quyết những tồn đọng sau khi hết thời gian thí điểm của Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải trong khi chưa ban hành nghị định mới.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp: Hạn chế dịch vụ đi chung xe là không hợp hiến, hợp pháp