Tổ công tác của Thủ tướng cho hay, việc cắt giảm thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) chưa được các Bộ quyết liệt triển khai thực hiện. Do đó chưa đạt được kết quả theo yêu cầu.

Nhiều Bộ quá chậm chạp trong việc cắt giảm giấy phép con

Trí Lâm | 02/03/2018, 17:29

Tổ công tác của Thủ tướng cho hay, việc cắt giảm thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) chưa được các Bộ quyết liệt triển khai thực hiện. Do đó chưa đạt được kết quả theo yêu cầu.

Trong tháng 2, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra 16 Bộ, cơ quan trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục KTCNvà cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Kết quả kiểm tra cho thấy thời gian quaviệc cắt giảm thủ tục liên quan đến KTCN có chuyển biến nhưng chưa được các Bộ quyết liệt triển khai thực hiện. Do đó, chưa đạt được kết quả theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ chưa đề xuất cụ thể cách thức quản lý đối với các danh mục hàng hóa phải KTCN đang bị chồng chéo, chịu nhiều hình thức kiểm tra của nhiều Bộ hoặc của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc một Bộ. Tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chưa được khắc phục triệt để. Chi phí của thủ tục KTCN vẫn là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp...

Theo đánh giá, chỉ có Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ đạt yêu cầu trong việc cắt giảm thủ tục KTCN. Một số Bộ như Bộ Y tế cần phải cắt giảm 407 mặt hàng, Bộ NN-PTNN 125 nhóm sản phẩm, Bộ GTVT 64 mặt hàng…; Các bộ như Bộ NN-PTNN, Bộ TN-MT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TTDL chưa đề xuất tiến độ cải cách.

Còn kết quả kiểm tra về điều kiện kinh doanh cho thấy hiện nay có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh với 3.571 yêu cầu, điều kiện. Tính trung bình, có khoảng hơn 14 yêu cầu, điều kiện áp dụng với mỗi ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác nhau. Các điều kiện kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định.

Một số điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh; nhiều quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định; can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây tác động bất lợi đến doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, chỉ có Bộ Công Thương đạt yêu cầu với 675/1.215 điều kiện. Theo các chuyên gia, số lượng này vẫn còn rất nhiều và cần tiếp tục cắt giảm. Bộ Xây dựng đề xuất giảm 89 điều kiện và đơn giản hóa 94/280 điều kiện, được đánh giá là có nỗ lực lớn.

Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng chưa có phương án cắt giảm; Bộ TTTT đề xuất cắt giảm 51/250 nhưng chưa có phương án cụ thể; Bộ NN-PTNN đề xuất cắt giảm 118/345 điều kiện…

Tổ công tác yêu cầu các Bộ phải xây dựng lộ trình, phương án cắt giảm cụ thể và phải bảo đảm nguyên tắc việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào 1 điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.

Từ ngày 15.3, Tổ công tác tiến hành kiểm tra việc cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tại các Bộ, cơ quan, địa phương.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
một giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều Bộ quá chậm chạp trong việc cắt giảm giấy phép con