Chia sẻ trong ngày 25.5, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) khẳng định, theo Luật Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu tiền các khách sạn vì sử dụng tivi để phục vụ lưu trú của khách, sử dụng các tác phẩm âm nhạc vào kinh doanh là hoàn toàn chính xác.
Trong khi đó, rất nhiều ý kiến cho rằng đại diện VCPMCthu tiền tác quyền của các khách sạn khi sử dụng TV trong kinh doanhlà không hợp lý, thiếu cơ sở. Không đồng ý với các ý kiến đó, ông Bùi Nguyên Hùng lý giải rằng Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền tác giả đã có trên thế giới từ nhiều năm nay, các nước trên thế giới thu tiền các khách sạn khi sử dụng TV từ rất lâu rồi.
Theo ông Hùng, nguyên tắc là tổ chức cá nhân dùng âm nhạc phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì có nghĩa vụ trả tiền. Điều này là hoàn toàn làm theo đúng Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 35 Nghị định 100 cũng như các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị VCPMCphải thực hiện theo đúng quy trình, đúng pháp luật và phải có lộ trình phù hợp đối với từng hình thức khai thác sử dụng âm nhạc để bảo vệ quyền lợi tác giả, quyền lợi bên khai thác sử dụng và lợi ích hưởng thụ của công chúng.
"Đây là tài sản dân sự, do vậy chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tự xây dựng biểu mức tiền bản quyền và thỏa thuận với bên khai thác sử dụng. Không phải tống đạt công văn tới yêu cầu mà phải truyền thông, mời toàn bộ cơ sở khách sạn đến và đưa ra biểu giá để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu phải có đồng thuận cả hai bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết", ông Hùng nói.
Có một vài thắc mắc cho rằng làm sao VCPMC kiểm đếm được số lượng TV trong các khách sạn, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Namcho biết,trung tâmđể các đơn vị kinh doanh chủ động kê khai số lượng TV của khách sạn, chứ không tổ chức một lực lượng kiểm đếm như nhiều người nghĩ.
“Nhiều đêm tôi dằn vặt có khi mình mềm mại quá nên thiệt hại cho các tác giả Việt Nam. Các nhạc sĩ Việt Nam tin cậy vào mình mà mình cứ nhu mì thì thiệt hại cho họ”,nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.
Về mức thu 25.000 đồng/phòng lưu trú/năm đang áp dụng,VCPMC đã tham khảo mức thu tác quyền của các nước trong khu vực, cân nhắc đến tần suất sử dụng âm nhạc của khách lưu trú trong khách sạn. Vì vậy, từ nhiều năm nay VCPMC không tăng mà vẫn giữ nguyên mức thusử dụng quyền tác giả âm nhạc là 25.000 đồng/phòng lưu trú/năm.
“Đây chỉ là mức thu cho có để đủ các đầu mục thu tác quyền.Nếu chỉ dùng cho cá nhân thì chỉ phải trả tiền liên quan, nhưng nếu sử dụng chương trình ấy phục vụ khách hàng thì phải trả tiền tác giả bao gồm quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng... Do đó, những người sử dụng phải tìm hiểu. Đó không phải là phí chồng phímà là từng việc khác nhau. Việc thu phí ở Hà Nội và TP.HCM lúc đầu cũng có thắc mắcnhưng sau đó đều chấp thuận”,nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết thêm việcthu tiền tác quyền âm nhạc qua TV từ các khách sạn đã được thực hiện ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Bình Dương, Phan Thiết, Lâm Đồng… hơn 10 năm nay. Riêng ở Đà Nẵng vì trung tâm mới mở văn phòngnên việc thu phí muộn hơn các tỉnh thành khác. Năm 2017, trung tâm lên kế hoạch thu tác quyền âm nhạc tại các khách sạn 2 sao và 3 sao.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Namcho biết, từ năm 2013đơn vị này đã có công văn gởi đến một số đơn vị kinh doanh lớn có sử dụng âm nhạc ở nhiều lĩnh vực: karaoke, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn... Có 12 cơ sở kinh doanh thực hiện quyền tác giả, trong đó có 1 khách sạn (Novotel Đà Nẵng). Riêng đối với khách sạn, trong năm 2016 đã có 3 khách sạn thực hiện trả tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc.
Còn một đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết thêm, từ đầu năm 2017 mới triển khai tới các khách sạn dưới 3 sao và đã thu tiền tác quyền âm nhạc đối với 5 khách sạn.
Dạ Thảo