Dù thuộc thẩm quyền mình đấu thầu, mua sắm nhưng nhiều cơ sở y tế không dám thực hiện vì sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế... ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế: Bệnh viện thiếu thuốc vì sợ sai, không dám mua sắm, đấu thầu

Hồ Quang | 17/06/2022, 17:07

Dù thuộc thẩm quyền mình đấu thầu, mua sắm nhưng nhiều cơ sở y tế không dám thực hiện vì sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế... ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Không dám đấu thầu vì sợ sai

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện hiện nay, chiều 17.6, Bộ Y tế cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là do các đơn vị y tế lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị.

bo-y-te-benh-vien-thieu-thuoc-vi-so-sai-khong-dam-dau-thau-hinh-anh(1).png
Cấp thuốc cho bệnh nhân tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV 

Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong việc tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong các năm 2020-2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch. Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả nhiều biến động, vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Theo Bộ Y tế, hiện nay các đơn vị y tế hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.

Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra. Ngoài ra, do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung Quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.

Các đơn vị y tế phải chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra thiếu thuốc

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Theo Bộ Y tế, để tăng cường năng lực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 1589/BYT-KH-TC ngày 30.3.2022 đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24.5.2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 1.10.2020 của Bộ Y tế và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao…

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị y tế lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng trong khám, chữa bệnh. Việc xây dựng và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ kế hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch. Đặc biệt, trong trường hợp trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao mới được đưa vào danh mục mua sắm do nhu cầu sử dụng tăng hoặc áp dụng danh mục dịch vụ kỹ thuật mới đưa vào sử dụng so với năm trước liền kề.

Trước nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, ngày 29.4.2022, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2206/BYT-BH đôn đốc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Ngày 2.6.2022, Cục Quản lý Dược ban hành Công văn số 4781/QLD-ĐK công bố đợt 1 danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP. 

Bộ Y tế cũng chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế: Bệnh viện thiếu thuốc vì sợ sai, không dám mua sắm, đấu thầu