Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng Bộ GTVT nên nhìn thẳng vào vấn đề của BOT Cai Lậy, cái gì sai thì phải nhận và phải sửa.

BOT Cai Lậy: Bộ GTVT cần nhìn thẳng vào sự thật, nếu sai phải sửa

04/12/2017, 06:30

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng Bộ GTVT nên nhìn thẳng vào vấn đề của BOT Cai Lậy, cái gì sai thì phải nhận và phải sửa.

BOT Cai Lậy liên tục xả trạm mấy ngày qua - Ảnh: VNN

- Trạm BOT Cai Lậy bị các tài xế phản ứng quyết liệt và hiện đang căng thẳng trong việc thu phí. Theo ông, trong câu chuyện này đúng sai thế nào?

- Ông Trần Quang Chiểu: Một số vụ việc phản ứng về BOT chẳng phải chỉ có Cai Lậy mấy ngày nay, Khánh Hòa mới đây hay Bến Thủy trước đó mà còn nữa.

Vì thực tế nhiều trạm BOT thực hiện không đúng nguyên lý, không theo quy hoạch, làm một chỗ đặt một chỗ; tổng mức đầu tư tính không chính xác đến lúc thanh tra, kiểm toán là giảm thời gian thu phí, giá phí… Rồi thiếu minh bạch, công khai.

Ủy viên thường trực UB Tài chính-Ngân sách của QH Trần Quang Chiểu - Ảnh: VNN

Dân đa số nói đúng, tất nhiên có những trường hợp quá khích. Nhưng làm sao có chuyện dân sai hết được.

Mục đích thu hút BOT làm đường để phục vụ nhân dân mà dân không đồng tình thì Nhà nước phải xem lại.

- Thủ tướng có chỉ đạo Bộ GTVT tổng hợp, đánh giá tình hình BOT, đặc biệt là BOT Cai Lậy, không để tình trạng như hiện nay kéo dài. Bộ GTVT thì khẳng định mọi việc đều đúng quy định. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

- Tôi thấy Bộ GTVT chưa có ý kiến gì để giải quyết việc này cả.

Họp báo Chính phủ có giải thích BOT Cai Lậy thực hiện đúng pháp luật. Vậy thì cần phải xem pháp luật mà Bộ GTVT nói đúng hay không?

Như việc cho phép BOT trên đường độc đạo, làm một chỗ, cắm một chỗ thì pháp luật nào cho phép?

Theo tôi, Bộ GTVT không nên im lặng, nên nhìn thẳng vào vấn đề, cái gì sai thì phải nhận và sửa. Cốt lõi của vấn đề là giải quyết theo nguyên lý chỗ nào làm thì thu, chỗ nào không làm thì đừng thu, làm ít thu ít, làm nhiều thu nhiều, cần minh bạch rõ ràng.

Các nước làm BOT có vấn đề gì đâu, mình làm lại vướng, lại sai. BOT làm gì có quy hoạch trên QL1 đâu, tự dưng đặt chỗ này, làm chỗ kia rồi nói đã thống nhất giữa Bộ với tỉnh.

Như BOT Cai Lậy, Tiền Giang đang nói là làm 24km nâng cấp mặt đường nhựa và 12km đường tránh, vậy phải minh bạch ra, ai đi thì trả, sao lại chỗ nọ lẫn vào chỗ kia.

Đi 1km mà bắt trả 10km là không đúng

- Có thực tế như trong kết quả giám sát của QH nêu là do giai đoạn đầu chúng ta làm BOT còn mới, chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng nên việc thực hiện chủ yếu dựa vào thoả thuận giữa Nhà nước với nhà đầu tư. Vì vậy nhà đầu tư vin vào hợp đồng thỏa thuận để nói rằng họ làm đúng. Ông có bình luận gì?

- DN nói có lý của họ, vấn đề là Nhà nước sai thì phải chịu trách nhiệm.

Nhưng hiện nay Bộ GTVT vẫn cứ nói là mọi cái đều đúng. Đấy là đúng theo thỏa thuận với nhau, chứ còn đúng nguyên lý hay không thì phải bàn lại.

Nguyên lý của BOT là người ta đi đâu trả đấy, đi ít trả ít, đi nhiều trả nhiều và dân có quyền chọn đi và không đi. Còn ở đây bắt dân đi lên đấy, không có lựa chọn nào khác.

BOT giống như cân thịt mà các bà nội trợ hay đi chợ. Họ thích ăn thịt thì mua thịt, thích ăn cá thì mua cá, ăn 1 con mua 1, ăn 2 con mua 2. BOT là một loại hàng hóa trong giao thông, tại sao không thích đi đường đấy lại bắt đi đường đấy, đi 1km mà bắt trả 10km là không đúng nguyên lý.

Nếu anh làm đúng thì không ai phản ứng cả, như BOT cao tốc Hà Nội - Lào Cai 300km nhiều người đi có ai phản ứng gì đâu. Vì nhà đầu tư làm con đường mới, ai thích thì đi không thích thì đi đường cũ.

Còn BOT Cai Lậy là đường người ta đã đi sẵn rồi lại đè lên, tổng mức đầu tư lại không minh bạch.

Nhà nước nên mua lại các trạm BOT?

- Như ông nói, không chỉ có BOT Cai Lậy mà hiện có nhiều trạm khác cũng trong tình trạng tương tự. Đây cũng là bài toán khó cho Nhà nước, nếu chấp nhận di dời trạm Cai Lậy thì những trạm khác xử lý thế nào. Vậy làm sao giải quyết dứt điểm bài toán này?

- Hiện đang có 18 trạm BOT trên QL1, QL14. Bộ GTVT phải tính toán rồi đưa ra hướng giải quyết trình Thủ tướng.

Theo tôi, cách tốt nhất là nếu nhà nước có tiền thì nên mua lại các trạm BOT trên các tuyến QL, rồi thu phí để bảo trì, tất nhiên mức phí thấp hơn BOT. Tôi đã phát biểu nhiều lần trước QH về việc này.

Thực tế, các tuyến nâng cấp QL1, các nhà đầu tư chỉ bỏ ra 35.000 tỉ để làm 18 trạm từ Hà Nội đến Cần Thơ, còn Nhà nước bỏ ra 60.000 tỉ. Trong khi con đường này hàng triệu triệu tỉ.

35.000 tỉ đối với đất nước này to thật nhưng không phải không thể bỏ ra để mua lại được.

Tôi nghĩ trước mắt chưa có tiền thì Nhà nước bỏ tiền ra mua từng trạm một, sau đó cũng thu nhưng phí thấp để bảo trì. Nhà nước đứng ra làm chắc chắn dân đồng tình.

Theo Thu Hằng/VNN

Bài liên quan
Nhà phát minh người Nhật ‘tự nhân bản’ robot
18 năm qua, nhà phát minh người Nhật Hiroshi Ishiguro tạo ra 16 bản sao robot của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam - Qatar ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng
9 giờ trước Sự kiện
Hai Thủ tướng của Việt Nam và Qatar đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BOT Cai Lậy: Bộ GTVT cần nhìn thẳng vào sự thật, nếu sai phải sửa