Làm quan, điều quan trọng trước tiên là phải nắm lòng dân. Dân ủng hộ, chuyện gì cũng làm được. Ngược lại, thì khó lắm...

BOT Cai Lậy: Lẽ phải hay lợi ích của nhà đầu tư?

15/08/2017, 11:18

Làm quan, điều quan trọng trước tiên là phải nắm lòng dân. Dân ủng hộ, chuyện gì cũng làm được. Ngược lại, thì khó lắm...

Trạm thu phí Cai Lậy

"Những hiện tượng đó là sai luật. Nếu anh không thích thì anh có quyền từ chối sử dụng dịch vụ đó, tại sao phải làm thế?", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói về việc tài xế sử dụng tiền lẻ, bỏ vào chai để mua vé qua Trạm thu phí Cai Lậy, mà Báo Giao Thông đã đăng tải.

Theo ông Kiên, thực tế những tuyến đường đó vẫn có lựa chọn, họ không muốn đóng phí ở đường tránh thì có thể đi vào thị xã, nhưng họ lại không muốn thế, vì đi qua thị xã thì không được chở nhiều hàng hóa, thậm chí không đi nhanh được vì có thể bị bắn tốc độ.

Thực tế hoàn toàn khác như ông Kiên lý luận. Từ chối sử dụng dịch vụ này không được. Bởi từ chối thì đi đường nào? Ông Kiên cho rằng, không muốn đóng phí đường tránh thì có thể vào thị xã. Nhưng thực tế, muốn vào thị xã thì phải đóng phí cho BOT Cai Lậy, vì nó chắn ngang quốc lộ 1A rồi!

Dân làm gì có sự lựa chọn khi Trạm thu phí chắn ngang?

Còn vào sáng 14.8, trả lời báo chí về Trạm thu phí Cai Lậy, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục Đường bộ, cho rằng vị trí đặt trạm có sự thống nhất giữa bộ và địa phương, còn mức giá là theo quy định. Với câu hỏi mỗi ngày có khoảng bao nhiêu lượt xe qua trạm sau nửa tháng vận hành, ông Thắng khẳng định: ông không biết.

Không biết thì làm sao quản lý? Trong khi Tổng cục Đường bộ có trách nhiệm với các trạm thu phí như BOT Cai Lậy. Chẳng lẽ phê duyệt rồi thì cứ căn cứ những con số mà nhà đầu tư đã viện dẫn ra khi xin chủ trương đầu tư?

Trước đó, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định trên Báo Người Lao Động: "Trước mắt, trạm BOT Cai Lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời vị trí hay giảm phí ở Trạm BOT này".

Trong khi đó, trạm này đặt trên địa phận tỉnh Tiền Giang. Và theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, trước đây khi tiếp xúc cử tri, các đại biểu quốc hội đã ghi nhận nhiều ý kiến cử tri về vị trí đặt trạm là không hợp lý. Do vậy, lãnh đạo tỉnh này đã nhiều lần góp ý với Bộ GTVT, nhưng cuối cùng vị trí đặt trạm vẫn không thay đổi.

Nhiều tài xế bức xúc, hùn tiền mua heo quay... cúng Trạm thu phí Cai Lậy vào chiều 13.8

Và mới đây, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng đã ký công văn gửi Bộ GTVT, đề nghị xem xét giảm phí qua Trạm thu phí Cai Lậy. Lãnh đạo địa phương nắm rõ sự tình, lòng dân, nên mới đề xuất thế, chứ không thể khăng khăng không giảm phí.

Nghe phát biểu của các vị lãnh đạo này, lòng dân càng lo. Bởi quan phải sâu sát dân, quan tâm ý kiến địa phương. Nhất là đại biểu Quốc hội, phải đứng về phía dân, nắm rõ lòng dân. Chứ không tài nào ngồi cách xa hàng ngàn kilômét - tận Hà Nội, mà rõ chuyện ở Tiền Giang. Có sâu sát, mới có những quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân.

Và trong lòng nhiều người dân miền Tây bây giờ, không phải là chuyện thu phí ít hay nhiều, mà cốt lõi là không ai muốn mất tiền vì những chuyện vô cớ. Làm đường tránh thì thu phí đường tránh, cớ sao vẽ ra chuyện trải nhựa thêm hơn 26 km quốc lộ rồi chắn ngang quốc lộ mà thu tiền cả những xe không đi vào đường tránh.

Đừng nói đó chỉ là bức xúc của những người dân sở hữu xe ô tô. Không hề. Người chạy xe đạp cà tàng cũng biết, hàng hóa họ mua hàng ngày đều được vận chuyển bằng ô tô. Thế nên, dù không có ô tô, họ vẫn phải trả phí cho các trạm thu mọc lên dày đặc, vì tiền ấy sẽ tính hết vào giá cả hàng hóa.

Điều mà người dân miền Tây mong muốn là phải dời vị trí đặt trạm về đúng chỗ của nó: đường tránh thị xã Cai Lậy để họ có sự lựa chọn. Sau khi sáng 14.8, ông Thắng cho biết sẽ xem xét hạ phí sao cho hợp lý, thì dân vẫn chưa hài lòng. Bằng chứng là ngay chiều đó, nhiều tài xế lại dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, gây kẹt xe hơn 1 km và buộc phải xả trạm lần thứ 4 sau 14 ngày thu phí.

Lòng dân chưa yên còn kẹt xe dài dài tại trạm này. Bởi họ sợ rằng, nếu trạm thu phí này thành công thì tương lai nhiều trạm thu phí đường tránh khác sẽ còn mọc lên, dân khổ lắm. Không gì sướng bằng kinh doanh… trạm thu phí. Bỏ vốn ra, chẳng cần quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mà cứ lấy dự án được duyệt vay tiền ngân hàng, làm đường, rồi… đếm xe thu tiền.

Dân biết tỏng hết, cũng biết cả ngân sách khó khăn khi phải đầu tư quá nhiều đường sá. Như đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM, có ai kêu ca gì đâu? Ai muốn nhanh, đi đường to rộng, thì cứ trả tiền mà vào cao tốc. Còn không, cứ đi theo quốc lộ 1A. Nhưng với tuyến tránh Cai Lậy thì dân không có sự chọn lựa đó, họ buộc phải trả tiền dù không đi vào đường tránh…

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BOT Cai Lậy: Lẽ phải hay lợi ích của nhà đầu tư?