Trong tiếng Việt, từ gốc Hán chiếm tỷ lệ rất lớn. Trước khi tìm được những từ mới thuần Việt thay thế, việc cần làm ngay là phải dùng cho chính xác, cụ thể là tránh những trường hợp thừa.

Bớt chữ thừa để từ ngữ gọn gàng, trong sáng

29/12/2016, 09:08

Trong tiếng Việt, từ gốc Hán chiếm tỷ lệ rất lớn. Trước khi tìm được những từ mới thuần Việt thay thế, việc cần làm ngay là phải dùng cho chính xác, cụ thể là tránh những trường hợp thừa.

Xe lửa chạy xuyên nội thành TP.HCM.

Một lần đọc báo Sài Gòn giải phóng, đang bận nên tôi liếc vội, thấy có tin Xe lửa chạy xuyên trong nội thành TP.HCM, sực nghĩ vài điều liên quan, bèn biên ra đây.

Trong tiếng Việt, từ gốc Hán chiếm tỷ lệ rất lớn, ta gọi chúng là từ Hán Việt. Trước khi tìm được những từ mới thuần Việt thay thế (mà chả biết đến bao giờ mới xong), việc cần làm là phải dùng cho chính xác, cụ thể là tránh những trường hợp thừa.

Trong cái tin nói trên, rõ ràng thừa chữ "trong" bởi từ "nội thành" đã hàm nghĩa trong rồi. Vì vậy chỉ cần viết "Xe lửa chạy xuyên nội thành TP.HCM" đã toát nghĩa, mà lại gọn. "Nội" có nghĩa là trong, bên trong; "nội thành" là trong thành phố. Nói đến chữ "nội" này, tôi nhớ đến người xứ Huế có vế đối "Không vô trong nội nhớ hoài" hình như chưa ai đối được. Đành rằng “trong” là nội, “nội” nghĩa là trong, nhưng ở vế đối này "nội" còn có nghĩa là Đại Nội thuộc kinh thành Huế, nó không trùng lặp với chữ trong. Đó là chưa kể cặp từ “không - vô”, “nhớ - hoài” cũng có cùng nghĩa và khác nghĩa. Cổ nhân chơi chữ nhiều khi rất tinh tế, họ là những bậc thầy về ngôn ngữ.

Cái sai dạng này chúng ta cũng thường gặp khi không ít nhà báo viết “trong nội thất”, “ngoài ngoại thất” của căn nhà, căn hộ, chiếc xe nào đó. “Thất” có nghĩa là cái nhà ở, “nội thất” là phần bên trong (nội) nhà, thường dùng để chỉ cách sắp xếp, bài trí bên trong nhà; “ngoại thất” là bên ngoài (ngoại) nhà; vậy nên dùng thêm chữ trong (trong nội thất), chữ ngoài (ngoài ngoại thất) là thừa.

Tình trạng thừa chữ khi dùng từ Hán Việt khá phổ biến trên báo chí, chẳng hạn: giữa trung tâm, tái lập lại, ngày sinh nhật, đường quốc lộ... Có người bảo dùng mãi quen rồi, cứ vẽ chuyện dọn vườn, nhưng tôi cho rằng nếu ta bớt chữ thừa đi mà nghĩa vẫn không suy suyển thì tại sao không làm. Ví dụ ta viết: kỷ niệm ngày sinh, mừng sinh nhật, trên quốc lộ, ngay trung tâm... là được rồi, đèo thêm chữ thừa làm gì cho tốn giấy, tốn công gõ, công viết.

Còn có một từ Hán Việt nữa các nhà báo cũng nên lưu ý. Theo tôi, từ nay công an và báo chí đừng gọi bọn tội phạm là đối tượng nữa, cứ nói toẹt ra là người, là tên tội phạm, chứ cứ hơi một tí lại đối tượng, đối tượng... Trường hợp nào còn đang nghi ngờ, chưa khẳng định, chưa kết luận được rõ ràng thì có thể gọi là nghi phạm, nghi can, hoặc cứ gọi thẳng ra là người, chứ đừng dùng từ “đối tượng”.

“Đối” theo nghĩa gốc từ Hán Việt có nghĩa là đáp lại. “Đối tượng” tức là thành phần, sự vật, hiện tượng, con người… nào đó cần được quan tâm đáp lại. Tôi không cho rằng báo chí hoặc công an, tòa án dùng thế là sai nhưng chưa chuẩn. Ví dụ: "Trong vụ trộm này, công an bắt được 3 đối tượng", vậy sao không nói rõ là bắt được 3 tên trộm. Từ “đối tượng” dùng như vậy quá chung chung, đó là chưa kể từ này thường được dùng vào việc chỉ những người, thành phần nào đó với dụng ý tốt. Chúng ta hay nói: đối tượng chính sách (mẹ VN anh hùng, gia đình có công với nước, người nghèo cần được quan tâm), đối tượng đảng-đoàn (để phát triển tổ chức, đoàn thể), đối tượng tìm hiểu (khi yêu nhau), đối tượng phấn đấu (noi theo)... Nó hàm nghĩa tốt đẹp nhiều hơn, chứ không ai nói đối tượng khốn nạn, đối tượng du côn bao giờ.

Nguyễn Thông

Bài liên quan
Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do người Việt huấn luyện bứt phá trên bảng xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU
Ngày 10.1.2025, Zalo AI công bố Báo cáo tình hình phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) tiếng Việt trong năm 2024 dựa trên nền tảng đánh giá và xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU (Vietnamese Multitask Language Understanding Benchmark Suite for Large Language Models).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bớt chữ thừa để từ ngữ gọn gàng, trong sáng