Các nhà báo khi viết bài hãy cẩn thận bởi sức mạnh của ngôn từ nhiều khi “ghê gớm” hơn ta tưởng. Nó có thể làm sai lệch rất xa so với dụng ý của người viết, nhiều khi chính từ những ý hoàn toàn thiện chí.

Những từ ngữ 'tế nhị, nhạy cảm'

24/12/2016, 18:38

Các nhà báo khi viết bài hãy cẩn thận bởi sức mạnh của ngôn từ nhiều khi “ghê gớm” hơn ta tưởng. Nó có thể làm sai lệch rất xa so với dụng ý của người viết, nhiều khi chính từ những ý hoàn toàn thiện chí.

Có khi chỉ là sự cố không may nhưng báo chí, dư luận vẫn gán cho

Trong giao tiếp, ở bất cứ ngôn ngữ nào cũng đều có một lớp từ được coi là “nhạy cảm”. Đó là những từ mà người ta tránh nói hoặc hết sức cẩn trọng khi phát ngôn. Chẳng hạn các từ thông tục, các từ chỉ cơ quan sinh dục hoặc các hoạt động tình dục của con người (và cả động vật có bản năng này nữa). Tất nhiên, đó là một mặt của đời sống xã hội cần phải có và chắc chắn các từ này là một bộ phận không thể thiếu trong vốn từ vựng toàn dân. Dù được coi là cấm kị, nhưng khi miêu tả cuộc sống, dù ít dù nhiều, chúng ta vẫn phải sử dụng tới những từ ấy (nhất là trong các sách vở nghiên cứu về y học, sinh lý học, sức khỏe sinh sản…). Trong giao tiếp nói năng giữa đông người hay trên sách báo cho công chúng rộng rãi thì việc nói sao cho “lọt tai”, không gây phản cảm,chuyện đó quả không dễ. Sử dụng các từ ngữ được coi là tế nhị, nhạy cảm như vậy là một vấn đề mang tính văn hóa ngôn ngữ.

Qua thống kê, ta thấy báo chí những năm qua rộ lên cách sử dụng một loạt các từ mang tính khẩu ngữ liên quan tới một loạt từ nhạy cảm này. Từ chỗ “khó nói”, “không nói thẳng ra được” đến việc tìm một cách nói làm sao “nghe được”. Ví dụ các từ: chuyện ấy, chuyện mây mưa, chuyện sinh hoạt tình dục… (để chỉ quan hệ nam nữ); của quý, cậu nhỏ, dụng cụ của chàng, cái đèn cầy… (để chỉ cơ quan sinh dục nam); cái ấy, vùng kín, vùng cấm… (để chỉ cơ quan sinh dục nữ)… Nếu thế thôi thì cũng chưa có vấn đề gì. Nhưng nhiều báo chí đã đi quá xa khi đặt tít hay tả thực bằng những tổ hợp từ khá lạ tai: Tuyệt chiêu “cậu nhỏ” bằng miệng, 8 lý do “cậu nhỏ” của chàng không thể “chào cờ”, Để “cậu nhỏ” thật to, thật “hoành tráng”, “Cậu nhỏ” có nhỏ? Bí quyết để “cái đèn cầy” lên nòng, Vợ cho “của quý” của chồng vào… thùng rác… Những kiểu nói như vậy càng ngày càng đa dạng, ngay cả trên các báo dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng (vốn cần hết sức cẩn trọng). Nhiều người tỏ ra thích chí khi sáng tạo ra các kiểu nói “tuyệt chiêu” về cái ấy và… chuyện ấy. Nếu có một xì căng đan sexy nào đó thì y như như rằng có khá nhiều bài với không ít cách nói đủ kiểu vào cuộc.

Điều đáng nói và đáng lưu ý hơn cả là gần đây, hội chứng thi nhau dùng chữ “hàng” để chỉ những bộ phận kín đáo của phụ nữ. Nếu vào “Google”, ta sẽ nhặt ra không biết bao nhiêu bài viết có xuất hiện từ “hàng” hấp dẫn này: Những mẫu trang phục vô tư “lộ hàng”, Siêu mẫu H. A - từ lộ hàng đến đụng hàng, Người đẹp “lộ hàng” khoe vòng 1 trên đất Mỹ, Bé X. M lộ hàng trên sân khấu, Ca sĩ Đ.T có cố “lộ hàng”?… Khi nghe nói đến “hàng”, người Việt sẽ có một suy luận tiền giả định “đó là thứ có thể đem ra mua bán, trao đổi” (thực tế, nghĩa 1, nghĩa gốc của hàng (hay hàng hóa) là “sản phẩm để mua bán”). Cho nên, vô hình trung, ta nói tới chuyện “lộ hàng”, “khoe hàng”, “đụng hàng”… là dễ làm cho người khác hiểu sai cử chỉ của cô gái nào đó mà ta đang đề cập tới trong bài.

Họ thường là người mẫu thời trang, ca sĩ, người đẹp và có khi, cả hoa hậu nữa. Rất nhiều chị em, vốn là những nghệ sĩ tài danh, nhân vật nổi tiếng được báo chí gán cho 2 chữ “lộ hàng” (mà có thể họ hoàn toàn vô tình) đã than phiền là những thông tin như vậy không chỉ làm rắc rối vấn đề (không biết giải thích, thanh minh thế nào) mà còn làm cho dư luận hiểu sai về họ. Có ca sĩ đã viết trên blog của mình rằng: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ, ê chề khi tấm ảnh hớ hênh do vô ý của mình bị trưng lên mặt báo với lời bình “cố ý chào hàng”. Họ cứ làm như tôi là “gái gọi” không bằng, rằng tôi muốn PR bằng các màn khoe thân kệch cỡm. Họ bêu riếu tôi quá!”.

Ngôn ngữ, đặc biệt là từ vựng, có thể biến đổi, bổ sung sao cho phù hợp với nhu cầu giao tiếp của cuộc sống. Nhưng sự tùy tiện, “ứng tác” nhiều khi sẽ đem lại hiệu quả lợi bất cập hại. Các nhà báo khi viết bài hãy cẩn thận bởi sức mạnh của ngôn từ nhiều khi “ghê gớm” hơn ta tưởng. Nó có thể làm sai lệch rất xa so với dụng ý của người viết, nhiều khi chính từ những ý hoàn toàn thiện chí.

TS Phạm Văn Tình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
2 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những từ ngữ 'tế nhị, nhạy cảm'