Đối với doanh nghiệp nhà nước, nếu thực hiện các thương vụ M&A mà không tính đến các khoản chi phí cho thương hiệu thì đây thực sự là sự thất thoát cho Nhà nước...".

Brand Finance công bố 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017

04/12/2017, 19:45

Đối với doanh nghiệp nhà nước, nếu thực hiện các thương vụ M&A mà không tính đến các khoản chi phí cho thương hiệu thì đây thực sự là sự thất thoát cho Nhà nước...".

Tài sản vô hình đã tạo ra giá trị lớn đáng kể cho một doanh nghiệp - Ảnh: nguồn Internet

Ông Lại Tiến Mạnh, đại diện tại Việt Nam của hãng định giá thương hiệu Brand Finance đã nhận định như trên tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2017 với chủ đề "Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế", do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 4.12 ở Hà Nội.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng mạnh từ năm 2013 khi Brand Finance định giá khoảng 133 tỉ USD lên 203 tỉ USD trong năm 2017. Trong bảng xếp hạng này, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được xếp thứ 45, tăng 5 bậc so với năm 2016, nằm trong nhóm thương hiệu mạnh (A+). Theo đó, Việt Nam đứng thứ 5 trong 10 quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất.

Chưa hiểu sâu về giá trị thương hiệu

Ông Lại Tiến Mạnh cho biết hiện khái niệm định giá thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn tương đối mới, các công ty chưa biết nhiều dù trên thế giới rất phổ biến, nhất là trong các hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập). Theo ông Mạnh, các nhà đầu tư đánh giá rất cao về giá trị và sức mạnh của thương hiệu một công ty và họ sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí rất lớn để trả cho một thương hiệu. Tuy nhiên thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội về giá trị thương hiệu trong các cuộc M&A.

Đặc biệt với DNNN, ông Mạnh cho rằng khi thực hiện các thương vụ M&A mà không tính đến các khoản chi phí cho thương hiệu thì thực sự là sự thất thoát cho Nhà nước. Và nếu đánh giá theo quy chuẩn quốc tế về thương hiệu thì nhiều DNNN có thể thu về nhiều tiền hơn từ các nhà đầu tư trong các cuộc M&A.

Một ví dụ điển hình là thương hiệu Vietnam Airlines. Hãng hàng không này năm ngoái đã bán 8,771% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản với giá trị 2.431 tỉ đồng (tương đương 109 triệu USD). Tuy nhiên, theo tính toán của Brand Finance, thương hiệu Vietnam Airlines có thể thu thêm của nhà đầu tư Nhật Bản khoảng 10 triệu USD nữa thì mới xứng đáng với giá trị của doanh nghiệp này tại thời điểm đó.

Thông qua thương vụ bán cổ phần của hãng hàng không này, đại diện Brand Finance tại Việt Nam chỉ ra có 2 lý do khiến thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam chưa được định giá chính xác. Thứ nhất là quy định pháp lý của Việt Nam chưa được chặt chẽ, chưa rõ ràng nên các công ty còn "lúng túng" trong việc định giá giá trị doanh nghiệp. Thứ hai là năng lực, khả năng định giá của các công ty trong nước chưa được cao. Thậm chí các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức sâu sắc về giá trị thương hiệu của mình.

Cụ thể, trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017 được Brand Finance công bố ngày 4.12 thì có tới 11 thương hiệu lần đầu tiên xuất hiện trong top 50. Đồng nghĩa với việc 11 doanh nghiệp khác đã được loại ra khỏi danh sách. Bài học ở đây là một khi doanh nghiệp đã được định giá cao thì phải biết gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển thương hiệu.

Giá trị thương hiệu chính là tài sản vô hình của một doanh nghiệp, tạo ra giá trị đáng kể. Tuy nhiên nhiều chủ doanh nghiệp dường như vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của tài sản vô hình này, khi mà các kế toán không đo lường được và sự chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách cho thấy nhà đầu tư chưa tính đến nó.

Hiện nay, 48% giá trị thị trường toàn cầu thuộc về tài sản vô hình, mô hình quản lý đã có sự dịch chuyển lớn về tỷ lệ và tầm quan trọng của tài sản vô hình. Theo Báo cáo Theo dõi Tài sản Tài chính Vô hình Toàn cầu, giá trị doanh nghiệp của các công ty trong báo cáo này đạt 89 tỉ USD; trong đó 46,8 tỉ USD thuộc về tài sản hữu hình, 11,8 tỉ USD là giá trị tài sản vô hình đã công bố (bao gồm cả lợi thế thương mại) và 30,1 tỉ USD là giá trị "không công bố".

"Thực tế là hầu hết giá trị tài sản vô hình không được công bố trên bảng cân đối càng cho thấy nhà đầu tư cũng như ban điều hành công ty chưa hiểu hết giá trị tài sản vô hình của công ty", ông Mạnh cho hay.

Sai lầm khi định giá thương hiệu là "0 đồng"

Với câu chuyện cổ phần hóa DNNN, ông Mạnh lấy ví dụ về Hãng phim Việt Nam được định giá 0 đồng và cho rằng: "Việc định giá giá trị một thương hiệu với mức 0 đồng là một sai lầm. Bởi vì bất kỳ một thương hiệu nào cũng đều có giá trị riêng, dù ít dù nhiều. Nhất định không thể có giá là 0 đồng".

Từ đó cũng cho thấy quy định pháp lý của Việt nam trong việc cổ phần hóa DNNN còn chưa chặt chẽ. Nếu quy định rõ ràng trong cổ phần hóa của 2 nhóm tài sản khác nhau là hữu hình và vô hình thì bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ nhận thức sâu sắc hơn.

Báo cáo của Brand Finance còn cho thấy, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2017 được ghi nhận đạt 11,27 tỉ USD với các thương hiệu đứng đầu như Viettel, VNPT... Đây là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá), giá trị thương hiệu do Brand Finance công bố được phép sử dụng với cơ quan thuế, kiểm toán và sử dụng trong các cuộc M&A.

Theo ông Samir Dixit, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017 ghi dấu tiến bộ của các doanh nghiệp Việt Nam về giá trị thương hiệu nói riêng và giá trị kinh nghiệm tư vấn toàn cầu, chắc chắn sẽ tham gia vào quá trình đi lên của các thương hiệu Việt Nam.

"Năm 2018 tiếp tục là một năm khó đoán. Mỗi ngày đều có thêm thách thức. Đây sẽ là tiêu chuẩn mới cho mọi người và thương hiệu cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đó. Chúng ta đang thấy nhiều hành vi khó có thể tiên đoán được từ các thương hiệu và khách hàng. Sự trung thành đã được nhường chỗ cho giảm giá, khuyến mại.

Giá trị thương hiệu phải nhường chỗ cho doanh số "ngắn hạn", "đạt kết quả nhanh chóng" và "bán và bán nhiều hơn nữa"... Vì vậy, điều duy nhất không đổi thay là thương hiệu và đó là lý do tại sao thương hiệu là tài sản kinh doanh quan trọng nhất. Các cổ đông đầu tư cho sự gia tăng giá trị vô hình của giá cổ phiếu, chủ yếu là do các thương hiệu. Tuy nhiên, các nhà quản lý doanh nghiệp hiếm khi nhìn vào thương hiệu theo cách tập trung không phân biệt với bán hàng, hiệu quả của bảng cân đối và cắt giảm chi phí", ông Dixit nhận định.

Brand Finance hiện có văn phòng ở 20 quốc gia, tính toán giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng theo phương pháp giảm thuế bao gồm: xây dựng chỉ số sức mạnh thương hiệu, dự toán doanh thu có khả năng xảy ra trong tương lai được quy cho một thương hiệu và xem xét mức thuế suất sẽ bị tính cho việc sử dụng thương hiệu đó.

Top 50 thương hiệu Việt Nam năm 2017 do Brand Finance xây dựng

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Brand Finance công bố 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017