Theo Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (Bộ Công thương), trong các nước Châu Á, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Anh rời khỏi EU, mặc dù Việt Nam xuất khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, ổn định. Tiếp theo đó, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ 2, trong khi Hàn Quốc, Philippines, Indonesia là nước ít bị ảnh hưởng nhất.

Brexit: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước châu Á

Duyên Duyên | 06/07/2016, 11:08

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (Bộ Công thương), trong các nước Châu Á, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Anh rời khỏi EU, mặc dù Việt Nam xuất khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, ổn định. Tiếp theo đó, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ 2, trong khi Hàn Quốc, Philippines, Indonesia là nước ít bị ảnh hưởng nhất.

Brexit tác động mạnh đến HồngKông

Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (Bộ Công thương) vừa đưa ra đánh giá về tác động của Brexit đối với Hồng Kông và tác động gián tiếp đến Việt Nam.

Theo đó, cơ quan này cho biết, mặc dù ảnh hưởng của Brexit ít hơn đáng kể ở Châu Á, tuy nhiên sự không chắc chắn trong mối quan hệ mới giữa Anh và EU vẫn có thể tác động tiêu cực đối với quan hệ thương mại, đầu tư giữa Hồng Kông với Anh.

"Trong năm 2015, Anh là thị trường lớn thứ 2 của Hồng Kông tại Châu Âu (chiếm 16% tổng giá trị thương mại với EU) và lớn thứ 9 trên thế giới (chiếm 1,5% tổng giá trị thương mại với thế giới). Khoảng 60% giá trị xuất khẩu của Hồng Kông đến Anh là hàng tiêu dùng như đồ điện tử, quần áo, đồ trang sức, đồ chơi và đồng hồ...", Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông nhận định.

Về đầu tư, Anh là nước đón nhận FDI lớn nhất trong EU, nhưng Brexit có thể làm xói mòn vị trí thống trị của Vương quốc Anh vẫn biết đến như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Do đó, đối với Hồng Kông nói riêng và các nước nói chung, Anh không còn hấp dẫn như một cửa ngõ vào EU, một nơi để đặt trụ sở của các tập đoàn, công ty và một điểm đến cho đầu tư từ EU.

Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông dự báo một số công ty Hồng Kông có thể xem xét chuyển một phần vốn đầu tư của họ tại Anh sang các nước EU khác.

Đặc biệt, trong thời gian tới, cơ quan này cho rằng, mọi hoạt động kinh doanh giữa hai bên vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Anh đạt được thỏa thuận để chính thức rời EU. Tuy nhiên, một nền kinh tế mong manh cùng với đồng Bảng mất giá đồng nghĩa với nhu cầu nhập khẩu sụt giảm từ thị trường này sẽ tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Hồng Kông.

Tác động gián tiếp đến Việt Nam

Đánh giá tác động của Brexit đối với các quốc gia châu Á, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông cho rằng, nhìn từ triển vọng tăng trưởng kinh tế, nhu cầu từ Anh sẽ giảm với nguyên nhân chính là đồng Bảng mất giá.

Trong các nước châu Á, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất mặc dù Việt Nam xuất khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, ổn định, ít bị giảm. Tiếp theo đó, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ 2 trong khi Hàn Quốc, Philippines, Indonesia là nước ít bị ảnh hưởng nhất.

Bên cạnh những tác động trực tiếp từ Anh, các nước châu Á sẽ bị tác động gián tiếp do sự sụt giảm nhu cầu của EU. Tác động này cần được quan tâm hơn tác động trực tiếp từ Anh vì EU hiện là thị trường lớn hơn nhiều. Theo đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực từ tác động gián tiếp này.

Dựa trên những phân tích về tác động của Brexit đến Hồng Kông và Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông cho rằng, sự sụt giảm thương mại của Hồng Kông trong nửa đầu năm 2016 đã tác động tới quan hệ thương song phương của Việt Nam với Hồng Kông.

"Những ảnh hưởng từ hệ quả của Brexit dự báo có thể tiếp tục tác động tiêu cực xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông, trong đó xuất khẩu trực tiếp sẽ gặp khó khăn do tỷ giá của USD và HKD (đơn vị tiền tệ của Hồng Kông) tăng; xuất khẩu gián tiếp sẽ bị ảnh hưởng do Hồng Kông là là thị trường trung chuyển quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam", đơn vị này nhận định.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Brexit: Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước châu Á