Có mặt tại Buenos Aires, Argentina tham gia hội nghị cấp cao G-20, các nhà lãnh đạo của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ngày 30.11 ra tuyên bố lên án chủ nghĩa bảo hộ.

BRICS công kích chủ nghĩa bảo hộ trong hội nghị cấp cao G-20

Cẩm Bình | 01/12/2018, 10:37

Có mặt tại Buenos Aires, Argentina tham gia hội nghị cấp cao G-20, các nhà lãnh đạo của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ngày 30.11 ra tuyên bố lên án chủ nghĩa bảo hộ.

Trong tuyên bố, BRICS kêu gọi mở cửa thương mại quốc tế cũng như tăng cường vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

“Tinh thần cùng những quy định WTO chống lại các biện pháp đơn phương và bảo hộ. Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi thành viên phản đối các biện pháp đi ngược lại WTO này đồng thời giữ vững cam kết của mình”, tuyên bố nhấn mạnh.

Quan điểm chống chủ nghĩa bảo hộ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại trong bài phát biểu trước hội nghị G-20. Ông cho biết: “Khi lần đầu tham dự vào 5 năm trước, tôi kêu gọi duy trì - phát triển nền kinh tế thế giới mở. Nay nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách hơn vìbảo hộ thương mại đang trỗi dậy trong khi doanh thu từ thương mại toàn cầu năm 2018 dự kiến giảm”.

Theo Chủ tịch Tập, các nền kinh tế lớn phải “tỏ rõ can đảm” để đưa kinh tế thế giới đi đúng hướng.

Trong hội nghị cấp cao năm nay, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt với thử thách lớn từ những căng thẳng thương mại mà đáng chú ý nhất là xung đột Mỹ - Trung. Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu này có nguy cơ diễn tiến khốc liệt hơn khi Tổng thống Donald Trump không lâu trước đó để ngỏ khả năng tăng thuế áp đặt lên 200 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc như đã định, đồng thời nhắc lại lời đe dọa đánh thuế với số hàng hóa nhập khẩu còn lại. Tuy vậy, vẫn có triển vọng hai ông Trump - Tập đạt được thỏa thuận “đình chiến” hay thậm chí chấm dứt chiến tranh thương mại khi gặp nhau ngày 1.12.

Phát biểu tại Buenos Aires, Tổng thống Mỹ cho biết phía Bắc Kinh thực sự có ý muốn đạt thỏa thuận và hiện đã có một số dấu hiệu tích cực. Một quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng tiết lộ dù còn vài khác biệt, nhưng đồng thuận giữa hai bên trước khi hai nhà lãnh đạo hội kiến đang không ngừng tăng.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung phủ bóng hội nghị G-20 - Ảnh: Reuters

Chuyện thu hút sự quan tâm chính là liệu hội nghị cấp cao G-20 có ra được thông cáo chung về các vấn đề quan trọng như thương mại, người di cư và biến đổi khí hậu hay không. Bà Svetlana Lukash, quan chức Nga làm việc với đại diện các thành viên G-20 khác về thông cáo chung, tiết lộ hiện vẫn tồn tại bất đồng. Tuy vậy nhiều phái đoàn có mặt tại Buenos Aires khẳng định quá trình đạt được tiến triển tốt.

Trong tháng 11 vừa qua, hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần đầu tiên trong lịch sử kết thúc mà không có thông cáo chung. Sự kiện này chứng kiến thế đối đầu gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri tỏ thái độ lạc quan về khả năng đạt được tiếng nói chung của hội nghị G-20, nhưng một quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ tuyên bố nào làm tổn hại đến lợi ích của nước này.

Cẩm Bình (theo Reuters, SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
một giờ trước Thị trường và chính sách
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BRICS công kích chủ nghĩa bảo hộ trong hội nghị cấp cao G-20