Bùi Tiến Phúc đã có hành trình hàng chục năm để phục chế hàng ngàn tài liệu giấy trăm năm tuổi từ thư tịch sách cổ quý giá.

Bùi Tiến Phúc – chàng trai say mê phục chế sách cổ thư tịch

Tiểu Vũ | 23/04/2022, 19:36

Bùi Tiến Phúc đã có hành trình hàng chục năm để phục chế hàng ngàn tài liệu giấy trăm năm tuổi từ thư tịch sách cổ quý giá.

Được biết đến như là một trong những người trẻ cực kỳ hiếm hoi tại Việt Nam được đào tạo bài bản và đi theo con đường phục chế, tu bổ tài liệu giấy cổ xưa, Bùi Tiến Phúc lần đầu tiên có cuộc trò chuyện cùng đông đảo bạn đọc tại Đường sách TP.HCM trong không khí sôi nổi của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022.

tienphuc-123.jpg
Bùi Tiến Phúc đang phục chế một quyển sách cổ - Ảnh: T.V

Không quá lời khi nhiều người gọi Bùi Tiến Phúc bằng danh xưng “bác sĩ sách”, bởi công việc của anh là “cứu, chữa” những tư liệu quý, sách cổ, văn bia viết bằng chữ Hán Nôm đã cũ, hỏng, nát… trở về trạng thái nguyên bản nhất có thể. Đây là việc làm thiết thực đóng góp cho công tác bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp, quý giá của Việt Nam qua các tư liệu xưa.

Là cựu sinh viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tiến Phúc đã chịu khó đi thực tế các ngôi đền, ngôi chùa cổ xưa, nuôi dưỡng tình yêu Hán Nôm và văn tự cổ cũng như nâng cao hiểu biết của mình.

cacdongsachxua.jpg
Những trang sách cổ quý giá do Tiến Phúc phục chế - Ảnh: T.V

Sau khi ra trường, Tiến Phúc được Thư viện Huệ Quang – địa chỉ lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc đáng tin cậy – mời làm việc, đào tạo trong công việc sưu tầm tài liệu Phật giáo viết bằng chữ Hán Nôm. Miệt mài đồng hành cùng thư viện một thời gian anh nhận ra ở Việt Nam chưa thật sự có ngành tu bổ sách chính quy mà chủ yếu là “người dạy người, nghề dạy nghề”. Năm 2014, Phúc quyết định xin học bổng làm Nghiên cứu sinh tại Đài Loan ngành Bảo tồn và Phát huy Di sản văn hóa.

Trải qua 6 năm miệt mài “văn ôn võ luyện” và làm công việc trợ giảng, không ngừng cọ xát thực tế; Tiến Phúc trở về quê hương và thành lập Hán Nôm Đường. Khó có thể kể hết biết bao nhiêu thư tịch đã được anh “hồi sinh” thành công.

Nhờ tình yêu đặc biệt với những trang sách xưa mà Tiến Phúc nên duyên với vợ anh - chị Trần Bội Tuyền, người Đài Loan. Dấn thân vào một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, áp lực và còn rất mới mẻ ở Việt Nam, cả hai động viên nhau nỗ lực hết mình xây dựng Hán Nôm Đường, để ngày càng có nhiều tư liệu Hán Nôm cổ, sách quý được tu bổ, phục chế.

Bùi Tiến Phúc đã được Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời hợp tác mở lớp hướng dẫn tu bổ phục hồi tranh thủy mặc. Ngoài sách, anh còn tu bổ tranh giấy, tranh lụa cổ, phục dựng bia cổ trên giấy... cũng như tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực này.

trungbaysachxua_1.jpg
Trưng bày các dụng cụ phục chế sách cổ của Tiến Phúc tại Đường sách TP.HCM

Không chỉ muốn sống hết mình với niềm đam mê học thuật, cống hiến cho nền văn hóa nước nhà, Tiến Phúc cũng mong muốn chia sẻ những kiến thức thiết thực và truyền thêm cảm hứng để ngày càng có nhiều người quan tâm, trân trọng tài liệu cổ và biết cách bảo quản, gìn giữ sách đúng cách qua năm tháng.

Buổi trò chuyện "Kỹ thuật phục chế sách xưa" với Diễn giả Bùi Tiến Phúc là cơ hội thú vị để cộng đồng hiểu hơn về quy trình “viết tiếp” cuộc đời cho những trang giấy trăm tuổi. Những ngóc ngách đầy bất ngờ và cũng hết sức hấp dẫn của nghề chuyên "chữa bệnh" cho sách, chẩn đoán tình trạng bệnh, giải mã xem tình trạng bên trong tư liệu và quy trình nhiều bước cụ thể để bắt đầu chữa những "vết thương" cũng được hé lộ. Đó là một công việc đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối, tỉ mỉ, khéo léo, đầy tinh thần trách nhiệm và cả sự tỉnh táo, khoa học trong từng thao tác.

sach-co.jpg
Phục chế thư tịch cổ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cả tình yêu văn hóa của dân tộc - Ảnh: T.V

Việc đọc được cổ văn, hiểu được nội dung khiến Tiến Phúc càng quý trọng những giá trị ẩn chứa trong từng trang giấy đã tồn tại qua hàng thế kỷ và từ đó càng thiết tha gắn bó lâu dài với nghề “cứu sách”.

Trong không gian của Đường sách TP.HCM khách tham dự còn có dịp tận mắt thưởng lãm những ấn phẩm quý hiếm lâu đời và các dụng cụ thiết yếu của người “bác sĩ sách”.

"Qua chương trình này Phúc mong muốn tiếp thêm tình yêu di sản văn hóa dân tộc và trang bị cho mọi người những kỹ năng cơ bản để ít nhất là không làm xấu đi tình trạng những tài liệu cổ xưa vốn được lưu truyền qua bao thế hệ trong các gia đình khắp nơi", Tiến Phúc chia sẻ.

Xem video tóm tắt quá trình phục chế sách cổ của Tiến Phúc: 

Buổi trò chuyện "Kỹ thuật phục chế sách xưa" là điểm nhấn đáng chú ý trong chuỗi sự kiện tại Đường sách TP.HCM nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đi cùng với đó là tuần lễ trưng bày các hiện vật theo chủ đề "Phục chế và đóng sách nghệ thuật". Chương trình do các đơn vị Con Mèo Nhỏ và Hán Nôm Đường tổ chức; đơn vị đồng hành: Quán Sách Mùa Thu và Haydecor.
Thời gian: 9 giờ sáng ngày 24 .4 .2022.
Bài liên quan
Đấu giá sách quý xuất bản trước 1945 'Về chốn thư hiên'
Tại cuộc triển lãm những cuốn sách quý xuất bản trước năm 1945 mang tên “Về chốn thư hiên” sắp tới, BTC sẽ cho đấu giá một số cuốn sách quý nhằm gây quỹ thành lập thư viện Nguyễn An Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nắng nóng gay gắt khắp cả nước, nhiều nơi trên 41 độ C
một giờ trước Sự kiện
Ngày 28.4, nhiệt độ cả nước tăng nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt khi có nơi trên 41 độ C.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bùi Tiến Phúc – chàng trai say mê phục chế sách cổ thư tịch