Khi nói đến Bulgaria, người ta hay nghĩ đến xứ sở của những thung lũng và lễ hội hoa hồng. Tuy nhiên, không chỉ có thế, Bulgaria còn là vùng đất nổi tiếng với những tu viện xinh đẹp, những thành phố cổ xưa.

Bulgaria đâu chỉ có hoa hồng

CTV Trần Văn Trường | 21/07/2016, 10:57

Khi nói đến Bulgaria, người ta hay nghĩ đến xứ sở của những thung lũng và lễ hội hoa hồng. Tuy nhiên, không chỉ có thế, Bulgaria còn là vùng đất nổi tiếng với những tu viện xinh đẹp, những thành phố cổ xưa.

Tu viện Rila, di sản văn hóa thế giới

Từ thủ đô Sofia, chúng tôi di chuyển về phía nam khoảng 120km. Tu viện Rila được xây dựng trên sườn ngọn núi ở cao độ 1147 m so với mặt nước biển. Tương truyền, vào thế kỷ thứ 10 có một thầy tu tên là Ivan (Tiếng Anh là John) đã đến cư trú trong một hang đá. Ông có cuộc sống khổ hạnh và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng tiếng tăm về đạo dức cũng như tài năng của Ivan được người dân lan truyền khắp nơi, vì vậy số lượng các tín đồ kéo đến để xin được nghe những lời chỉ dạy từ ông ngày một đông. Nhiều người bắt đầu kéo đến sinh sống gần hang đá của ông. Về sau, họ đã cùng nhau xây dựng một tu viện nhỏ, đặt nền móng cho tu viện Rila sau này. Sau khi mất, Ivan đã được đã được phong thánh. Tu viện Rila trở thành một điểm hành hương quan trọng của các tín đồ Chính Thống Giáo.

Tu viện Rila

Phần tu viện ngày xưa không còn nữa. Những gì chúng ta thấy ở tu viện Rila ngày nay được xây dựng vào khoảng những năm 1834-1860. Điểm độc đáo là nó được xây dựng bởi những người thợ không chuyên, đó là các thầy tu từ khắp mọi miền của đất nước Bulgaria.

Bước qua cánh cổng tu viện, một quang cảnh hết sức hùng vĩ và đẹp mắt hiện ra trước mắt tôi. Dãy núi Rila cao lớn nằm án ngữ ở phía sau lưng. Toà nhà tu viện cao 4 tầng và có hình hơi vuông. Chính giữa là một khoảng sân lót đá khá rộng. Những hàng cột sơn trắng, những mái vòm mềm mại được xây từ những viên gạch nung tạo nên những đường cong mềm mại, hình ảnh tu viện nổi bật giữa vùng rừng núi tịch mịt.

Những bức tranh bích họa của tu viện

Điều làm tôi thích nhất ở đây là những bích hoạ, các hình vẽ trên vách tường và trên trần nhà của tu viện. Mỗi bức tranh là một chủ đề liên quan đến cuộc đời của chúa Jesu hay các lời dạy trong kinh thánh. Trong thời trung cổ, đa số người dân mù chữ, cho nên những hình vẽ này có vai trò minh hoạ giúp cho các tín đồ có thể hiểu được các điều răn trong kinh thánh.

Chợt Philip- Hướng dẫn viên địa phương chỉ tay về vách tường của tu viện, nơi có hình thánh Ivan, đồng thời anh lấy một đồng 1 Leva của Bulgaria cho chúng tôi xem, đó là thánh Ivan. Người Bulgaria tin rằng, khi đến đây, nếu ai cầm đồng 1 Leva ra cầu nguyện trước ảnh thánh Ivan, rồi sau đó cất giữ vào trong túi, họ sẽ được ấm no mãi mãi.

Một hình vẽ khác trên vách ở mặt trước phía bên phải của tu viện có những người bị xích trong tư thế khoả thân, tôi được cho biết đó là hình phạt cho những người có tâm địa nhỏ nhen. Đó là những người đã từ chối giúp đỡ những khách bộ hành lỡ đường gõ cữa nhà họ để xin tá túc qua đêm. Tôi chợt thầm nghĩ, có lẽ trong thời xa xưa trên đất Bulgari nói chung cũng như ở vùng Rila nói riêng cũng chưa có nhiều nhà trọ. Những người đi hành hương hay các lữ khách bị lỡ đường trong đêm tối sẽ không có nhiều sự lựa chọn, họ phải đi gõ cửa nhà người dân ven đường để xin được tá túc qua đêm. Khi đó, nếu chủ nhà từ chối giúp đỡ kẻ lỡ đường trong đêm tối, đó là điều ác độc mà ngay cả đến chúa cũng không tha thứ...

Một điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng đã được người xưa nhìn nhận với một thái độ rất nhân văn. Tu viện Rila đã được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1983.

Plodiv, thành phố 8.000 năm tuổi

Theo các nhà nghiên cứu, Plodiv đã có người ở từ 8.000 năm trước, cùng thời gian của Troy và Micenae. Plodiv được xây dựng ở hai bên bờ sông Maritsa, trên 7 ngọn đồi. Đây là thành phố lớn thứ hai của Bulgaria, nằm ở vị trí khá quan trọng trên tuyến đường của những cuộc thập tự chinh, một tuyến đường chiến lược góp phần tạo tiền đề cho việc giao lưu gặp gỡ của văn hoá châu Âu và phương đông, của vùng biển Baltic và Địa Trung Hải, của biển Đen và biển Adriatic.

Tại đồi Nebet, các nhà khảo cổ đã phát hiện rằng nằm dưới độ sâu 7m trong lòng đất là 12 tầng văn hoá khác nhau. Đây cũng là nơi định cư của người Thrace từ 2000 năm trước công nguyên, một bộ tộc nổi tiếng có nhiều chiến binh mạnh mẽ mà sử gia Hy Lạp Herodotus hay nhắc đến.
Trong quá khứ, Plodive từng bị đô hộ và xâm lược bởi các thế lực ngoại bang như Macedonia, La Mã, đế chế Byzantin và Ottoman.

Những con đường đá gồ ghề

Đến Plodiv ngày nay, du khách có thể chiêm ngưỡng rất nhiều công trình kiến trúc và thắng cảnh. Có thể dạo chơi và mua sắm ở đường Kapana,con phố đi bộ được xem dài nhất châu Âu. Nhà hát La Mã ( Roman theatre) là một trong những điểm đáng để tham quan. Được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 98-117 sau công nguyên. Đây là nhà hát lộ thiên không có mái che với sức chứa khoảng 7000 người. Trên một số hàng ghế ở những vị trí khá đẹp còn ghi các ký tự và chữ viết La Mã, nhằm để đánh dấu quyền sở hữu của những gia đình giàu có hay những nhân vật quan trọng.

Ngày nay nhà hát còn được sử dụng cho các buổi hoà nhạc với qui mô khoảng chừng 3500 khán giả, và nó được xem là một trong những nhà hát La Mã được bảo tồn tốt nhất thế giới.

Men theo con đường nhỏ lót đá gồ gề hơi dốc, tôi đi về phía đỉnh đồi. Nơi có những ngôi nhà khá cổ của Plodiv, đường phố rất tĩnh lặng và yên bình.

Bước chân qua cổng một ngôi nhà khá đẹp, tôi nhìn thấy một khu vườn nhỏ. Bên góc phải ngôi nhà có một giếng nước cổ rất dễ thương, nhưng bên trong giếng, nước đã cạn tự bao giờ. Ngôi nhà 2 tầng này là có tên là Balabanov, được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 19. Đây là nhà của một thương gia sinh ra và lớn lên ở Plodiv, ông khá nổi tiếng và giàu có tên là Hadji Panajot Lampsha, ông làm nghề cho vay và kinh doanh áo choàng của Thổ Nhỉ Kỳ…

Bên trong nhà, có những chiếc sofa bằng gỗ, những tấm thảm lót sàn và đồ trang trí khá đẹp, tất cả toát lên sự giàu có và thịnh vượng của gia chủ trong quá khứ. Tôi có ấn tượng khá mạnh với căn phòng có bức hình của một bé gái, đôi chân cô bé đứng bắt chéo vào nhau, một tay cô tì lên chiếc ghế rất kiểu cách như người lớn. Tôi đoán cô bé trong ảnh chỉ trạc chừng ba hoặc bốn tuổi, nhưng ánh mắt cô bé khá tự tin và đỉnh đạc, một khuôn mặt bầu bỉnh rất đáng yêu. Bước xuống cầu thang, tôi nghe âm thanh kẻo kẹt của sàn gỗ phát ra giữa ngôi nhà yên ắng. Tôi như đang nhìn thấy hình bóng của những người từng sinh sống trong ngôi nhà này từ gần 200 năm trước.

Chợt thấy, mọi thứ thật vô thường, thời gian ở nơi đâu cũng trôi qua mau tựa bóng câu. Ngôi nhà dù to, dù đẹp thì cũng chỉ là nơi che mưa nắng tạm thời của một kiếp người. Mọi thứ sẽ không bao giờ là mãi mãi.

Trần Văn Trường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bulgaria đâu chỉ có hoa hồng