Kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Trung ương Huế được thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, đem lại sự sống mới cho nhiều bệnh nhi không may mắc các bệnh lý hiểm nghèo.
Ngày 12.1, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa làm lễ xuất viện cho một ca ghép tế bào gốc tự thân của một bé gái và mừng kỷ niệm 30 ca ghép tế bào gốc tự thân ở trẻ em.
Ca ghép tủy thứ 30 đó là bé Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, 5,5 tuổi, đến bệnh viện Trung ương Huế vào tháng 10.2022. Bé được chẩn đoán u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao với khối u tại khoang sau phúc mạc, di căn tủy.
Sau quá trình điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2, cháu đáp ứng một phần và được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục điều trị. Cháu được khẩn trương hội chẩn tumor board toàn viện và điều trị hóa chất trước ghép. Trong quá trình ghép, cháu đã bị sốt, giảm bạch cầu hạt, nhưng với sự điều trị tích cực và quan tâm chăm sóc chu đáo, cẩn thận của các y bác sĩ, cháu đã dần hồi phục. Và ngày 12.1, cháu đã được xuất viện trong niềm vui lớn lao của gia đình cũng như các y bác sĩ.
Giáo sư Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị đã trang bị máy móc trang thiết bị hiện đại, phòng ghép tủy đạt chuẩn quốc tế; bên cạnh đó đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến về chuyên ngành ghép tế bào gốc... nên rất thuận lợi trong triển khai kỹ thuật này.
Theo giáo sư Hiệp, với ưu thế của một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt với đầy đủ tất cả các chuyên khoa: Nhi ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh, Ngoại nhi, Mắt, Huyết học truyền máu, Xạ trị… Bệnh viện tổ chức hội chẩn đa chuyên khoa hàng tuần để lên kế hoạch điều trị đa mô thức cho bệnh nhân một cách bài bản, chuyên nghiệp theo đúng phác đồ.
“Bên cạnh việc hội chẩn đa chuyên khoa hàng tuần trong bệnh viện, bệnh viện còn hội chẩn trực tuyến và phối kết hợp điều trị với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Canada, Singapore... để tối ưu hóa trong điều trị đa mô thức nhằm đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, giáo sư Hiệp chia sẻ.
Được biết, trong quá trình ghép, bệnh nhân luôn được theo dõi, chăm sóc chu đáo, tận tình của đội ngũ y bác sĩ với trình độ chuyên môn cao. Ngoài những thành công trong lĩnh vực ghép tế bào gốc, Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những trung tâm lớn thực hiện thành công bộ ba ghép tạng "tim, gan, thận" với tỉ lệ thành công gần 100%. Cho đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công trên 1.300 ca ghép tạng.
Trung tâm Nhi triển khai ghép tế bào gốc tự thân cho các bệnh nhi mắc các bệnh lý ung thư khối mô đặc và hạch bạch huyết từ tháng 11.2019.
Sau hơn 3 năm, Trung tâm Nhi đã thực hiện ghép tế bào gốc được 30 ca, với 26 ca bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, hai ca u nguyên bào võng mạc di căn và hai ca lymphoma không Hodgkin tái phát.
Với số lượng 30 ca trong vòng 3 năm, Bệnh viện Trung ương Huế đã đứng thứ hai trong cả nước về ghép tế bào gốc tự thân điều trị bệnh lý u đặc trẻ em. Trong đó có những ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Huế, với các trường hợp ghép cho bệnh nhi mắc u nguyên bào võng mạc di căn và Burkitt Lymphoma tái phát.
Bệnh nhi được ghép tế bào gốc tự thân đến từ mọi miền của đất nước, từ các tỉnh miền Trung như Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, đến các tỉnh phía Nam như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Kiên Giang, Ninh Thuận, TP.HCM; với các độ tuổi khác nhau, trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi và lớn nhất là 8 tuổi.
Hiện nay, kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Trung ương Huế đã được thực hiện thường quy một cách chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai ghép tủy tự thân cho các bệnh nhi bị mắc các bệnh lý u đặc và sẽ triển khai ghép tủy đồng loại, điều trị các bệnh lý suy tủy, ung thư máu hay Thalassemie để nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỹ thuật ghép tế bào gốc, đem lại sự sống mới cho nhiều bệnh nhi không may mắc các bệnh lý hiểm nghèo.