“Lúc nào chúng ta cũng nói là cả hệ thống chính trị vào cuộc, vậy thì các thành viên trong hệ thống chính trị phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói.

"Cả hệ thống chính trị vào cuộc thì từng thành viên phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình"

Lam Thanh | 18/10/2021, 14:00

“Lúc nào chúng ta cũng nói là cả hệ thống chính trị vào cuộc, vậy thì các thành viên trong hệ thống chính trị phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói.

Tổ chức vẫn là khâu yếu

Tại tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 18.10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến nay Việt Nam cơ bản khống chế được dịch.

Về ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch, ông Tuyên cho biết Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phân lập được vi rút SARS-CoV-2. Hiện Việt Nam đang tích cực nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và đã có vắc xin đang triển khai thí điểm giai đoạn 3.

Ngoài ra, ông Tuyên cho biết Việt Nam cũng có hệ thống kết nối được trên 1.000 điểm cầu để tiến hành hội chẩn, thảo luận; tất cả điểm cầu xã, phường, thị trấn đã kết nối được với Ban Chỉ đạo quốc gia để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành; hợp nhất các ứng dụng phòng chống COVID-19 thành PC-COVID…

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết lúc đầu công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, còn bị động. Công tác chỉ đạo một số biện pháp cụ thể còn nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh. Các quy định chưa bao quát hết được các tình huống để ứng phó với dịch bệnh…

td.jpg
Các khách mời tham gia tọa đàm

“Tôi nhận thấy khâu tổ chức vẫn yếu. Việc tổ chức thực hiện ở từng khu vực, từng vùng, từng địa bàn, nhưng chưa tính đến hết nhu cầu của ngươi dân và khả năng đáp ứng tại chỗ nên một số nơi thực hiện còn lúng túng, chưa đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên”, ông Tuyên chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết hệ thống y tế còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu phòng dịch diễn biến nhanh với chủng Delta. Người dân rất khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khi dịch bùng phát rộng dẫn đến tình trạng quá tải, tăng nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, hầu hết trang thiết bị y tế, sinh phẩm, thuốc men, vắc xin Việt Nam đều phải nhập khẩu nên bước đầu còn bị động, chưa đảm bảo phương châm 4 tại chỗ ở các địa phương.

Theo ông Tuyên, để làm tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương; huy động tất cả các nguồn lực ở trong nước cũng như nước ngoài; phân cấp phân quyền và phát huy tính chủ động linh hoạt ở từng cấp để tổ chức thực hiện.

Cũng theo ông Tuyên, cần huy động tổng lực ngành y tế và điều trị từ sớm từ xa để giảm nguy cơ tử vong. Hình thành được trạm y tế lưu động để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân ngay từ cơ sở; tiếp cận và chuẩn bị các nguồn lực vắc xin, thuốc điều trị để chủ động trong phòng chống dịch.

Nghị định 128 là quyết sách cực kỳ quan trọng

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Tuyên, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021, 2022. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy.

dxt.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Theo đó, cần hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú, để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K+vắc xin+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân".

Ngoài ra, cần mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá Nghị định 128 là quyết sách cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Thọ, trước đây thực hiện theo Chỉ thị 15, 16… là phù hợp và với sự đồng lòng của nhân dân đã đạt được những thành quả. Tuy nhiên, trong quá trình lưu thông hàng hoá, không tránh khỏi một số tồn tại bất cập. Đến thời điểm hiện nay, Nghị định 128 đã chỉ rất rõ và cố gắng khắc phục để phục hồi phát triển kinh tế, phòng chống dịch tốt. Một loạt chủ trương, giải pháp đưa ra trong Nghị định 128 là rất phù hợp.

Theo ông Thọ, khi có nghị quyết rồi, từ đánh giá giai đoạn đầu và đưa ra những giải pháp, khâu tổ chức vẫn là khâu quyết định sự thành công khi triển khai nghị định.

“Lúc nào chúng ta cũng nói là cả hệ thống chính trị vào cuộc, vậy thì các thành viên trong hệ thống chính trị phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình”, ông Thọ nêu.

ldt.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng chia sẻ vừa rồi từ Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập. Dứt khoát lần này chúng ta phải giải quyết bất cập này.

“Chúng ta phải đồng bộ từ công tác tuyên truyền, tập huấn. Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Chỉ dừng chiếc xe trên đường 5 phút có thể kéo dài ùn tắc đến 1 tiếng đồng hồ và nhiều cây số, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí”, ông Thọ nêu.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng phải thống nhất, ứng dụng công nghệ phải qua mã QR để khai báo y tế, “chứ có địa phương bắt anh em ngồi ghi từng số xe thì chưa ổn”. Ngành y tế đã quy định xét nghiệm 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, có địa phương lại bảo chỉ có giá trị 24 - 48 giờ. Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có những bức xúc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Cả hệ thống chính trị vào cuộc thì từng thành viên phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình"