Căn nhà của ông Khắp được thiết kế, xây dựng vừa có chức năng chống chịu bom đạn, vừa chống rung lắc của động đất. Đây được xem là ngôi nhà độc nhất vô nhị ở xứ Cà Mau.

Cà Mau: Đại gia xây biệt thự chống bom đạn và động đất tốn hàng chục tỉ đồng

Trần Khải | 08/01/2020, 10:56

Căn nhà của ông Khắp được thiết kế, xây dựng vừa có chức năng chống chịu bom đạn, vừa chống rung lắc của động đất. Đây được xem là ngôi nhà độc nhất vô nhị ở xứ Cà Mau.

Căn biệt thự có khả năng chống bom đạn và động đất

Ông Trần Văn Khắp (66 tuổi, ngụ TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biếtcăn biệt thự có diện tích khoảng 1.500m2 của gia đình ông hiện trị giá trên 40 tỉ đồng. Vị đại gia này kể rằng, trước khi xây dựng ngôi biệt thự, ông đã tính toán rất chi tiết, cẩn thận. Ngoài những yêu cầu thông thường là dùng để ở, sinh hoạt hằng ngày, thì căn biệt thự còn có những tính năng rất đặc biệt như có khả năng chống được bomđạn nếu như có xảy ra chiến tranh và chống chịu được những tác động rung lắc của động đất.

Ngược về ký ức, ông Khắp nói rằng, thuở nhỏ trong lúc chiến tranh, khi máy bay chưa càn quét vùng này, ông cũng từng ao ước sẽ có ngày nhìn thấy… máy bay đánh bom một lần, để xem cho sướng con mắt. Tuy nhiên, khi xảy ra chiến sự thì rất ác liệt, ngoài sức tưởng tượng của ông.

Theo đại gia Trần Văn Khắp, người dân địa phương cho rằng ông bị… khùng - Ảnh: Trần Quốc

Ông nói: “Tận mắt chứng kiến bom đạn tàn phá quê hương, nên thời đó tôi rất lo sợ, rồi sợ cho cả thế hệ mai sau nếu họ không hiểu mà thờ ơ, thì khi có chiến tranh xảy ra, đau thương, mất mát sẽ rất lớn. Tôi ấn tượng từ chỗ đó, rồi ấp ủ nếu sau này có tiền, tôi sẽ xây 1 ngôi nhà giống như 1 công sự vậy, để khi chiến tranh xảy ra, con cái mình cứ chui vào thì ít nhất cũng sẽ có thể tồn tại được thời điểm đó, chờ khi yên ổn thì tìm đường đi đâu thì đi. Chứ còn như tháo chạy tán loạn như ngày xưa tôi thấy thì chết hết”.

Quan điểm của ông Khắp là muốn xây ngôi nhà giống như mộtcông sự. Vì vậy, vách tường căn biệt thự được xây chắc chắn với độ dày 40cm, nếu bị đạn thông thường bắn cũng khó xuyên thấu, cửa kính thì được ông Khắp lựa chọn kính cường lực chất lượng, có khả năng chịu lực tốt. Những tấm kính này, nếu người dùng lực ném bằng đá 4x6 cũng không bể vỡ. Ngoài ra, căn biệt thự của ông Khắp còn bố trí, xây dựng nhiều căn hầm.

“Bình thường những căn hầm này dùng để chứa nước, nhưng khi đất nước có chuyện, bơm nước ra ngoài, thì đây là những công sự vô cùng chắc chắn và an toàn. Căn hầm chẳng những là tường dày 40cm, mà bên trong tôi còn đổ 1 lớp bê tông cốt thép có 2 lớp sắt có độ dày dữ dội lắm, khi cần là chui vào đó”, ông Khắp chia sẻ.

Căn nhà nhìn rất kiên cố- Ảnh: Trần Quốc

Ông Khắp cho rằng, nếu người nào chưa biết về chiến tranh thì họ nghĩ trái bom là dữ dội lắm. Ông cũng khẳng định đúng là dữ dội thật, nếu quả bom đó nổ ở đất liền. “Hồi mới hòa bình, tôi nghe nói Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập nên lên xem coi nó tới cỡ nào, tôi nghĩ là banh xác hết rồi.

Vài ngày sau tôi có mặt tại dinh Độc Lập, dân chúng cũng được vào xem, coi lại thì trái bom tuy có sức công phá mạnh, nhưng ngòi nổ được gắn ngay đầu quả bom. Khi va chạm vào một vật gì đó, có lực đủ mạnh thì sẽ phát nổ. Cho nên, dưới đất thì nó sẽ găm sâu vào lòng đất mới phát nổ. Còn bê tông, vừa chạm vào là đủ lực nổ ngay. Tôi tưởng tượng lực công phá sẽ mạnh lắm, nhưng khi coi lại ở dinh Độc Lập thì chỉ có 1 lỗ bê tông bị bể chừng bằng cái nia thôi, đường kính chỉ khoảng 1 mét”, ông Khắp kể.

Theo lời vị đại gia, kể từ đó, ông luôn ấp ủ trong lòng, nếu sau này có điều kiện, ông sẽ cất căn nhà làm sao giống như vậy, để tránh và chống chịu được ít nhất 1 quả bom tương tự ở dinh Độc Lập. Ông cũng nhận định, nếu vừa chạm bê tông phát nổ liền thì bom sẽ không xuyên xuống dưới mà mọi thứ của sẽ nổ tung ngược lên không trung. Vị đại gia còn khẳng định, khi xảy ra chiến tranh, những ngôi nhà lớn sẽ là mục tiêu của không quân, chứ không nghĩ là nhà dân, nên sẽ bị oanh tạc bằng bom đạn.

Và căn biệt thự của ông Khắp được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của... dinh Độc Lập, mái nhà của ông được đổ bê tông kiên cố với 2 lớp sắt thép với độ dày 20cm và chỉ chống chịu được bom đạn của thế hệ cũ, chứ bom đạn hiện đại bây giờ thì rất khó. “Bây giờ có loại bom khoan cả núi, khi chạm nó không nổ liền, nếu căn nhà tôi gặp loại này thì chào thua. Chứ còn loại bom ngòi nổ ngay đầu đạn chạm nổ liền như ngày xưa thì tôi nghĩ nhà này không sao cả”, ông Khắp nói.

Căn biệt thự có tính năng chống bom đạn, động đất của đại gia Khắp - Ảnh: Trần Quốc

Ngoài ý thức xây nhà chống bom đạn, ông Khắp còn có ý thức chống thiên tai, động đất. Ông nói thêm: “Người ta nói ở đây không có động đất, nhưng tôi nghĩ biết đâu chừng, cho nên tôi cũng có ý thủ cái này luôn, nên đã không cho thợ câu sắt xuống tấm vỉ khoảng 700m2 của nền nhà. Tôi đổ 1 lớp bê tông ngay trên mặt sắt, rồi mới câu sắt, đổ đà.

Cho nên, bờ đà có chiều ngang hơn 1 mét. Từ đà đó trở lên thì bắt đầu bắt nối sắt với nhau. Cái nhà 500m2, ngồi trên miếng vỉ 700m2 như vậy thì rất vững vàng. Theo tôi, nếu động đất thì sẽ rung lắc và gãy cái này, cái khác, thì bây giờ giữa phần đà với tấm vỉ nằm tách biệt, nếu có rung lắc thì cái nhà này sẽ không bị dặt theo. Đó là lý do tôi không cho thợ câu nối với tấm vỉ sắt của nền nhà, mà tạo cho căn nhà có sự ngăn cách riêng”.

“Người ta nói tôi khùng gì mà khùng quá trời”

Ông Khắp cho biết, ngoài căn nhà làm nơi ở, sinh hoạt, thì còn coi đây là 1 công trình văn hóa để làm đẹp cho quê hương, xứ sở. Ông nói rằng, chẳng biết người ta nghĩ như thế nào, nhưng khi thấy ông đem hàng chục tỉ đồng để xây căn biệt thự, thì họ nói thẳng vào mặtlà ông bị khùng.

“Họ nói tôi khùng gì mà khùng quá trời vậy, đem tiền đổ vô cất cái nhà, sao không để tiền đó ăn cho nó đã. Tôi chỉ cười hề hề rồi thôi, vì điều kiện mình dư dả rồi. Bây giờ nói tới cái ăn thì tôi oải lắm, bởi những món ăn người ta khoái thì tôi không còn ăn nổi nữa”, ông Khắp tâm tình.

Theo ông Khắp, với điều kiện kinh tế như vậy, nên tâm nguyện của ông là cố gắng để xây dựng 1 công trình vừa để đời, cũng vừa thủ để bảo vệ cho gia đình ông. Chính cái “khùng” được người dân địa phương “phong tặng” mà từ trước đến nay, mỗi khi bắt tay vào làm bất cứ công việc gì, ông Khắp luôn thành công. Đó là niềm tự hào không chỉ riêng bản thân của vị đại gia, mà còn là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ.

Ngôi nhà được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép - Ảnh: Trần Quốc

“Tôi làm rất nhiều nghề, nhưng nghề nào cũng thành công mỹ mãn. Khi tôi thấy mức thu nhập của nghề đó không còn cao nữa thì tôi chuyển nghề khác và bất cứ nghề nào tôi cũng thắng hết. Thành công vậy đó, nên người dân bảo tôi khùng cũng phải, bởi khi làm việc gì tôi cũng tính toán rất chi ly. Đến giờ, tôi xây dựng căn nhà như thế này cũng là chuyện nhỏ thôi, để đảm bảo cho thế hệ con cháu sau này có chỗ ăn ở hết sức an toàn”, vị đại gia nói.

Ông Khắp khuyên: “Nói gì thì nói, trải qua chiến tranh loạn lạc tôi sợ lắm rồi. Cho nên, tôi phải thủ làm sao cho gia đình mình được an toàn tuyệt đối. Dù xây dựng nhà kiên cố như vậy, nhưng nếu như biết trước được sự việc sắp diễn ra, thì nên di tản trước khi xảy ra chiến tranh. Mộtquả bom dội xuống có thể không sao, nhưng nhiều trái thì cũng tiêu”.

Theo vị đại gia, ngoài việc đóng thuế cho nhà nước, nếu là người có điều kiện thì cũng cần có những công trình tiêu biểu như căn biệt thự hiện tại của ông. Nếu địa phương mà có nhiều công trình như vậy thì làm thay đổ bộ mặt quê hương.

Cầu thang của biệt thự cũng được xây dựng rất chắc chắn - Ảnh: Trần Quốc

Bởi thế, ngoài là nơi sinh hoạt của gia đình, thì ngôi biệt thự còn có giá trị xã hội và đóng góp về nét văn hóa ở địa phương. Chính cái “khùng” của ông đã tạo nên sự khác biệt đối với những người khác ở đâyvà tạo cho ông sự thành công. Cũng chính cái “khùng” này mà tên tuổi của đại gia Trần Văn Khắp được nhiều người biết đến và học hỏi.

Căn biệt thự của ông Khắp được xây dựng từ năm 2012 và đưa vào sử dụng vào năm 2014. Theo ông, chỉ tính riêng phần nền móng nhà được xây dựng kiên cố với 2.000 bao xi măng, 16.000 cây cừ tràm.

Trần Quốc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Đại gia xây biệt thự chống bom đạn và động đất tốn hàng chục tỉ đồng