Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) vừa có chuyến khảo sát thực địa tại tuyến đường BT Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây (thuộc xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) cùng UBND tỉnh Cà Mau.

Cà Mau: Đề xuất dùng nước mặn để chống sụt lún, sạt lở

25/02/2020, 09:10

Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) vừa có chuyến khảo sát thực địa tại tuyến đường BT Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây (thuộc xã Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời) cùng UBND tỉnh Cà Mau.

Theo nhận định ban đầu của chuyên gia, thì sự chênh lệch mực nước là nguyên nhân gây sạt lở - Ảnh: Trần Khải

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn do thiên tai, nắng hạn gây ra ở Cà Mau, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân ở vùng ngọt hóa của H.Trần Văn Thời. Đi kèm theo đó, nhiều tuyến đường bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, hơn 18.000 héc-ta lúa bị thiệt hại, diện tích có nguy cơ tăng lên.

Để tìm rõ nguyên nhân, giúp người dân địa phương an tâm sản xuất, ổn định đời sống, UBND tỉnh này đã mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học chuyên về biến đổi khí hậu hàng đầu của Việt Nam cùng với địa phương bàn bạc, tìm giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Qua khảo sát thực tế tại địa phương, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau là do khô hạn, khiến cho mực nước ngoài sông cao hơn mực nước ở kênh mương trong các tuyến kênh thủy nông, nội đồng. Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn bàn bạc với các chuyên gia, nhà khoa học cho ý kiến về việc cho một lượng nước mặn vào các tuyến kênh thủy nông nội đồng để giữ đất, ngăn chạn các vụ sạt lở, sụt lún. Đồng thời, tiến hành chặt bỏ cây xanh ven đường để hạn chế áp lực cho tuyến đường có nguy cơ tiếp tục sụt lún.

Ông Nguyễn Thành Được, Chủ tịch xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, cho biết: “Hiện xã có 164 điểm bị sụt lún, ảnh hưởng 181 hộ dân ở địa phương, ảnh hưởng gần 2km lộ đất đen và khoảng 500m lộ giao thông nông thôn. Đặc biệt, từ khi cống Trùm Thuật A bị nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa, thì địa phương không bị sụt lún nữa, nếu có nước mặn vào thì sẽ giữ được chân đất vùng ngọt. Hiện tại, mực nước thấp, mình dẫn vào một lượng vừa đủ thì khả năng nước mặn ngấm vào nội đồng là không thể. Mực nước trong kênh chỉ tầm 0,8m, nên không ảnh hưởng đến việc sản xuất của vùng ngọt”.

Theo các chuyên gia, trước mắt, tỉnh Cà Mau cần có giải pháp điều tiết nước hợp lý, phù hợp. Vận động người dân tích trữ nước mưa bằng cách sử dụng các vật dụng chứa đụng trong nhà hoặc đào ao giữ nước, và sử dụng sao cho phù hợp. Riêng về vấn đề cho nước mặn vào vùng ngọt để giữ chân đất, có chuyên gia cho rằng địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh làm ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc thừa nước vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô, địa phương đã thấy từ lâu, nhưng để việc điều tiết nước hiệu quả thì cần có giải pháp công trình dài hơi như, khép kín tiểu vùng để giữ nước ngọt để điều tiết nước. Song, để làm được vấn đề này thì còn liên quan đến nhiều yếu tố như nhận thức, nguồn lực…

Riêng về vấn đề khắc phục sạt lở, địa phương đã ban hành tình huống sự cố công trình và triển khai theo quy định. Chúng tôi sẽ rà soát từng khâu từ khảo sát, thiết kế, xây dựng… nên hiện chưa thể kết luận được. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại, tôi cũng đang rất băn khoăn, liệu tình trạng sạt lở này có dừng lại đây không, tôi nghĩ nó chưa dừng lại. Do đó, chúng tôi mong muốn làm sao có được giải pháp trước mắt, bởi tình trạng đang rất khẩn cấp”.

Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhận định: “Cà Mau hoàn toàn có thể công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Vì sạt lở đã rất rõ ràng, theo tôi giải pháp đưa nước mặn vào là hợp lý. Bởi khi mực nước ngoài kênh mương, bằng với nội đồng thì sẽ không còn xảy ra sạt lở. Hiện nay, do có sự chênh lệnh mực nước giữa bên trong và bên ngoài nên đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như đã qua. Do mực nước bên trong kênh hạ thấp đến mức giới hạn, thì bây giờ chúng ta phải bù nước là hợp lý.

Cũng theo ông Tân, chính quyền địa phương cần có biện pháp tích trữ nước mưa để sử dụng. Việc chặt bớt cây là không cần thiết, bởi việc trồng cây mất 5 - 7 năm, bây giờ bị sự việc như thế này mà chặt đi thì phí, chỉ cần tỉa cắt cành nhánh là đủ. Muốn giữ đất, tránh bị sạt lở thì địa phương cần tăng cường trồng cỏ để giữ đất.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Trường đại học Cần Thơ, cho rằng: “Về quan điểm nông nghiệp, khu vực làm lúa hiện nay của Cà Mau cao và có cày ải. Nếu canh tác lúa theo hình thức sử dụng nước mưa, thì tôi không nghĩ việc đưa nước mặn vào ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của địa phương. Cà Mau thuộc tiểu vùng ven biển nên chúng ta nên xem xét lại khu vực làm lúa 2 vụ có phải là thế mạnh của Cà Mau hay không. Theo tôi, thì lúa - tôm là biện pháp canh tác tốt nhất của người dân trong thời gian tới. Tỉnh nên xây dựng các ô thủy lợi để ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Trần Khải

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
39 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Đề xuất dùng nước mặn để chống sụt lún, sạt lở