Việc người dân ở khu dân cư Làng cá Khánh Hội (thuộc ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh) hằng ngày di chuyển trên đường giao thông công cộng phải canh thời gian để “né” đường ray vận chuyển hàng của 2 cơ sở sản xuất nước đá đang gây nhiều bức xúc.

Cà Mau: Doanh nghiệp lấn chiếm đường dân sinh, dân chịu khổ trăm điều

Trần Khải - Phong Trúc | 10/07/2022, 07:25

Việc người dân ở khu dân cư Làng cá Khánh Hội (thuộc ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh) hằng ngày di chuyển trên đường giao thông công cộng phải canh thời gian để “né” đường ray vận chuyển hàng của 2 cơ sở sản xuất nước đá đang gây nhiều bức xúc.

Theo người dân địa phương, hễ ai có việc đều phải đi bộ rồi cúi lom khom chui qua rào của xí nghiệp. Nếu mua những thứ hàng cồng kềnh như tủ, giường... thì phải trả tiền thuê dịch vụ chuyển vào nhà. Những doanh nghiệp cấp đông, mua bán hải sản phải trả hàng trăm triệu đồng mỗi năm để thuê đường vận chuyển hàng hóa từ chỗ mình (sông Biện Nhị) lên tuyến lộ U Minh - Khánh Hội trong khi cả con đường chưa đầy 70m… Đó là thực trạng đang diễn ra ở xã này.

a2.jpg
Để lưu thông trên tuyến đường này, doanh nghiệp thủy sản phải trả tiền thuê từ 20 triệu đồng/năm

Con đường bê tông rộng khoảng 2m vắt qua khu dân cư giáp bờ sông Biện Nhị, đoạn qua khu quy hoạch làng cá từ chợ Khánh Hội đến nhà ông Nguyễn Hoài Hận (ngụ địa phương) dài không quá 500m nhưng có đến 3 chướng ngại cắt ngang đường, là 2 đường ray vận chuyển nước đá của 2 nhà máy sản xuất nước đá và một tường rào kiên cố của trạm xăng dầu số 22.

Mỗi khi nhắc tới con đường từ nhà ông Nguyễn Hoài Hận (Hai Hận) đến nhà ông Phạm Đại Ngãi thì người dân địa phương ai cũng lắc đầu. Nếu nhà ông Hận nằm giáp tường rào của trạm xăng dầu số 22 và bị bịt kín không thể di chuyển hướng lên lộ U Minh - Khánh Hội thì nhà ông Ngãi may mắn giáp với bến xếp dỡ hàng hóa và cơ sở sản xuất nước đá Trường Sơn. Ông Hận muốn đến nhà ông Ngãi phải bò sát mặt đường bên sông Biện Nhị để tránh đường ray sắt của một cơ sở sản xuất nước đá khác gần đó.

Chị Phan Thị Bé Tư, người có chiếc ô tô con phải “trùm mền” ngao ngán: “Giờ muốn đi công việc bằng ô tô cũng phải canh thời gian, riết xe cứ đậu im trong nhà. Hai chiếc xe thồ hàng loại 1 tấn cũng xếp im lìm bên hè. Đường tắc, nhưng nếu nhà nước cho thuê tui cũng thuê ngay vài mét ngang của khu vực đất bỏ hoang vì dự án 22 năm không triển khai để đắp đường ra lộ nhựa. Đằng này, động đến là bị lập biên bản”.

a1.jpg
Người dân phải cúi lom khom chui qua đường ray của một doanh nghiệp nước đá khi đi đường

Không chỉ dân khổ chuyện đi lại mà doanh nghiệp cũng khổ, chẳng hạn cơ sở sản xuất, chế biến hàng đông lạnh của bà Trần Thị Lệ. Kho cấp đông của cơ sở nhà bà Lệ quy mô chứa 60 tấn hàng, mỗi tháng cơ sở này xuất khoảng chục chuyến hàng nhưng do lối đi bị chặn nên phải dùng xe thô sơ chuyển hàng hóa ra xe phía lộ U Minh – Khánh Hội. Con đường mà doanh nghiệp bà Lệ sử dụng phải trả tiền thuê vài chục triệu đồng mỗi năm.

Tốn kém hơn, những chiếc ghe biển của con trai ông Hai Hận phải chi hơn 90 triệu mỗi năm để thuê đường chuyển hàng hóa phía Trạm xăng dầu số 22. “Doanh nghiệp thuê đất nhà nước thì được tự do mở đường, tự do cho thuê lại như khu Trạm xăng số 22 và Cảng xếp dỡ Trường Sơn. Trong khi đó, người dân nhà liền thửa, liền kề đất quy hoạch treo lại bị “trói chân” ngay trên con lộ công cộng, ngay trên phần đất nhà mình. Thật khó tin”, ông Hai Hận chua chát nói.

a3.jpg
Người dân mong mỏi việc dỡ bỏ bức tường của trạm xăng 22 để con đường ven kênh Biện Nhị thông thoáng

Ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh cho hay: “Chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này. UBND xã có cử cán bộ lãnh đạo làm việc với doanh nghiệp thuê đất làm cảng, làm nhà máy sản xuất nước đá, trạm xăng dầu (gây cản trở lối đi công cộng) nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía doanh nghiệp. Họ cho rằng thuê đất từ UBND tỉnh chứ không phải thuê từ xã, huyện nên không có trách nhiệm giải thích”.

Vấn đề này, sau khi khảo sát thực tế, trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Cà Mau, Sở TN-MT khẳng định: “Việc chưa thi công các tuyến đường kết nối như quy hoạch đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sự đi lại và vận chuyển hàng hóa của các hộ dân”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ngày 11.3 đã có văn bản chỉ đạo huyện U Minh xem xét và khẩn trương thực thi các nội dung được Sở TN-MT đưa ra, trong đó có nhiệm vụ khẩn trương làm đường thông thoáng, kết nối. Tuy nhiên, hơn 3 tháng kể từ khi UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, đến nay các công trình vẫn “bất động”.

22 năm từ ngày quy hoạch và sau 3 tháng kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản đề nghị UBND huyện U Minh khẩn trương thực hiện các hạng mục công trình, nhất là đường giao thông của dự án theo đề xuất của Sở TN-MT, đường đi của người dân vẫn chưa thông. Không biết phải chờ đến bao giờ.

Bài liên quan
Trao đổi cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Cà Mau
Sáng 24.4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Doanh nghiệp lấn chiếm đường dân sinh, dân chịu khổ trăm điều