Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ đang gặp nhiều thách thức; nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế-xã hội của cả nước.

Ông Phan Văn Mãi đề xuất các định hướng chính cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam bộ

Tú Viên | 09/07/2022, 22:09

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ đang gặp nhiều thách thức; nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế-xã hội của cả nước.

Ngày 9.7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thành ủy – UBND TP.HCM, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

z35532297946957e37ed65df41d81f27ebe829d50d3964-1657337613445835584106.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị-Ảnh: P.V

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ đang gặp nhiều thách thức; nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng và chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế-xã hội của cả nước.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của các nước; vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm; hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước; kinh tế của vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước. Riêng TP.HCM đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của vùng và trong những năm gần đây, việc TP.HCM tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của vùng.

Phân tích về nguyên nhân của những thách thức này, ông Phan Văn Mãi cho đây là do thể chế hiện hành chưa đủ khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng, trong khi đó vai trò của Ban Chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức. Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực kéo”, thay vì “lực đẩy” cho phát triển của vùng.

Quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau, thiếu liên kết, thiếu phát huy những thế mạnh, nỗ lực phát triển. Hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng. Định hướng chiến lược thì tham vọng, nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế và chưa có cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực từ xã hội.

“Chính sự phát triển chậm lại của TP.HCM trong nhiều lĩnh vực và các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển tác động đến vùng nên khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Các thách thức về giao thông, ngập nước, giáo dục, y tế, sự không bền vững về lao động và dân số ngày càng gia tăng”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất các định hướng chính cho nghị quyết mới về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ. Đó là cần nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc, có ban chỉ đạo, hội đồng vùng, có tổ giúp việc và kể cả tổ tư vấn; liên kết phát triển giao thông vùng, gồm: Đường bộ (vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối); đường thuỷ (hệ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ; kết nối giữa vùng Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long và kể cả Campuchia).

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển đường sắt (theo quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường sắt, đề xuất triển khai mạng lưới đường sắt kết nối vùng theo mô hình TOD (TOD là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán).

Đồng thời, cần tăng cường liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sông; xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt; thích ứng với biến đổi khí hậu. Liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung của vùng, gồm: Trung tâm đại học - đào tạo nghề; trung tâm công nghiệp - dịch vụ nền tảng của thị trường lao động. Bên cạnh đó, liên kết phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về kinh tế-xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng.

“Cần hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM và đầu tư phát triển TP.HCM để giữ vững vai trò đầu tàu của vùng và cả nước, trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, ban hành nghị quyết thay Nghị quyết 54 với những cơ chế đặc thù, vượt trội; đồng thời tập trung đầu tư để TP.HCM là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khoa học và đổi mới sáng tạo; là trung tâm chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế; và triển khai Chương trình chuyển đổi số TP.HCM”, ông Phan Văn Mãi cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Phan Văn Mãi đề xuất các định hướng chính cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam bộ